Tôi muốn biết các quy định pháp luật về việc triển khai hoạt động đầu tư ở nước ngoài năm 2023 được quy định như thế nào? – Bạch Trinh (Bình Dương).
>> Quy định về chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài năm 2023?
>> Việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài năm 2023 được quy định thể nào?
Trước khi bắt đầu triển khai hoạt đồng đầu tư ở nước ngoài, nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối theo quy định tại Điều 65 Luật Đầu tư 2020.
Khi đó, mọi giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư đã được mở theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Triển khai hoạt động đầu tư ở nước ngoài năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Năm 2023, việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 66 Luật Đầu tư 2020 như sau:
- Nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư khi đáp ứng các điều kiện sau:
+ Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 66 Luật Đầu tư 2020;
+ Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư;
+ Có tài khoản vốn đầu tư được nêu tại mục 1.
Bên cạnh đó, việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Lưu ý: Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ.
Nhà đầu tư được giữ lại lợi nhuận thu từ đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư trong trường hợp được quy định tại Điều 67 Luật Đầu tư 2020 gồm có:
(i) Tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký;
(ii) Tăng vốn đầu tư ra nước ngoài;
(iii) Thực hiện dự án đầu tư mới ở nước ngoài.
Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với các trường hợp (i) và (ii); thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với trường hợp (iii).
Theo quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư 2020 quy định về việc chuyển lợi nhuận về nước của nhà đầu tư như sau:
Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam (ngoại trừ trường hợp giữ lại lợi nhuận được trình bày tại mục 3.1).
Nếu trong thời hạn nêu trên mà nhà đầu tư không chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập khác về Việt Nam thì nhà đầu tư phải thông báo trước bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời hạn chuyển lợi nhuận về nước được kéo dài không quá 12 tháng kể từ ngày hết thời hạn nêu trên.
Nếu quá thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, mà nhà đầu tư chưa chuyển lợi nhuận về nước và không thông báo hoặc trường hợp quá thời hạn được kéo dài mà nhà đầu tư chưa chuyển lợi nhuận về nước thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
>> Xem thêm bài viết:
>> Thẩm quyền và thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài năm 2023?
>> Các nguyên tắc và hình thức đầu tư ra nước ngoài năm 2023?
>> Điều kiện và thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài năm 2023?