Công ty tôi vừa mới được thành lập trong năm nay, do đó tôi muốn biết về việc tổ chức bộ máy kế toán được quy định như thế nào? – Chu Long (Hậu Giang).
>> Việc công khai báo cáo tài chính năm 2023 được quy định thế nào?
>> Công việc kế toán trong trường hợp đơn vị kế toán chia, tách, hợp nhất, sáp nhập năm 2023?
Việc tổ chức bộ máy kế toán năm 2023 được quy định tại Điều 49 Luật Kế toán 2015 như sau:
Điều 49. Tổ chức bộ máy kế toán
1. Đơn vị kế toán phải tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán.
2. Việc tổ chức bộ máy, bố trí người làm kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán, kế toán trưởng thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, việc tổ chức bộ máy kế toán còn được hướng dẫn bởi khoản 1, khoản 2 Điều 18 Nghị định 174/2016/NĐ-CP như sau:
- Đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán đảm bảo các quy định của Luật Kế toán 2015, số lượng người làm kế toán tùy theo quy mô hoạt động, yêu cầu quản lý, chức năng nhiệm vụ hoặc biên chế của đơn vị. Đơn vị kế toán có thể bố trí người làm kế toán kiêm nhiệm các công việc khác mà pháp luật về kế toán không nghiêm cấm.
- Việc tổ chức bộ máy kế toán tại các đơn vị kế toán do cơ quan có thẩm quyền thành lập đơn vị quyết định. Trường hợp tổ chức, đơn vị không có cơ quan có thẩm quyền thành lập thì do người đại diện theo pháp luật của đơn vị quyết định.
- Việc tổ chức bộ máy và công tác kế toán của các đơn vị cấp dưới không phải là đơn vị kế toán hoặc đơn vị trực thuộc không phải là đơn vị kế toán do người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán quyết định. Các đơn vị trong lĩnh vực kế toán nhà nước không được bố trí kế toán trưởng, phụ trách kế toán ở các đơn vị không phải là đơn vị kế toán.
- Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán phải bao gồm thông tin tài chính của các đơn vị cấp dưới và đơn vị trực thuộc.
Toàn văn hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam năm 2023 |
Quy định về việc tổ chức bộ máy kế toán năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo hướng dẫn tại khoản 5 khoản 6 và khoản 7 Điều 18 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định về người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về kế toán như sau:
- Người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về kế toán là người đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc các học viện ở trong và ngoài nước; người có chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập 2011; người có chứng chỉ kế toán viên theo quy định của Luật Kế toán 2015; người có chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kế toán do tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức nghề nghiệp nước ngoài được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận.
- Đối với người đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm là kế toán trưởng của đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước và đã có thời gian thực tế làm kế toán trưởng trong các đơn vị này từ 10 năm trở lên tính đến ngày Nghị định 174/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (01/01/2017) thì vẫn được xem xét, bổ nhiệm làm kế toán trưởng của đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước nếu đủ các Điều kiện khác theo quy định đối với kế toán trưởng mà không bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán.
- Đối với người không có bằng tốt nghiệp chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán nhưng đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào ngạch kế toán viên, kế toán viên chính tại các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước trước ngày 01/01/2014 thì vẫn tiếp tục được làm kế toán nhưng không được bổ nhiệm làm kế toán trưởng cho đến khi đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, điều kiện của kế toán trưởng theo quy định đối với kế toán trưởng, trừ những người vẫn được làm kế toán trưởng quy định tại khoản 6 Điều 18 Nghị định 174/2016/NĐ-CP.
Căn cứ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 18 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định:
- Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp tổ chức bộ máy kế toán để kế toán thu, chi ngân sách nhà nước phù hợp với tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ được giao.
- Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước tổ chức công tác kế toán theo đơn vị dự toán ngân sách. Trường hợp đơn vị kế toán ở cấp tỉnh không có đơn vị dự toán trực thuộc vừa là đơn vị dự toán cấp trên vừa là đơn vị sử dụng ngân sách và đơn vị kế toán ở cấp huyện vừa là đơn vị dự toán cấp trên vừa là đơn vị sử dụng ngân sách thì được bố trí chung một bộ máy kế toán để thực hiện toàn bộ công tác kế toán của đơn vị.
>> Xem thêm bài viết:
>> Việc sửa chữa sổ kế toán năm 2023 được quy định thế nào?
>> Công việc kế toán trong trường hợp đơn vị kế toán chia, tách, hợp nhất, sáp nhập năm 2023?
>> Việc mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán năm 2023 được quy định như thế nào?