Cho tôi hỏi hiện nay pháp luật quy định có những phương thức giải quyết tranh chấp nào trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam? – Hương Liên (Đồng Tháp).
>> Ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư năm 2023 quy định như thế nào?
>> Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư năm 2023 được quy định như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 14 Luật Đầu tư 2020 quy định về các biện pháp giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam như sau:
Điều 14. Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh
1. Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
Như vậy, theo quy định nói trên thì tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có thể được giải quyết thông qua các biện pháp sau:
- Biện pháp thương lượng: Là biện pháp giải quyết tranh chấp trong đầu tư kinh doanh mà không cần đến vai trò của bên thứ ba. Khi có tranh chấp, các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận để tự giải quyết.
- Biện pháp hòa giải: Là biện pháp giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh.
- Biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài: Là biện pháp giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010.
- Biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án: Là biện pháp giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước, được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ và bản án hay quyết định của tòa án về vụ tranh chấp nếu không có sự tự nguyện tuân thủ sẽ được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước.
Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh 2023 (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Đầu tư 2020 thì tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp tại Mục 3 bên dưới.
Tại khoản 3 Điều 14 Luật Đầu tư 2020 có quy định như sau:
Điều 14. Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh
…
3. Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây:
a) Tòa án Việt Nam;
b) Trọng tài Việt Nam;
c) Trọng tài nước ngoài;
d) Trọng tài quốc tế;
đ) Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.
…
Như vậy, đối tượng áp dụng quy định nêu trên nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
- Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
- Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Khi có tranh chấp giữa các nhà đầu tư thuộc một trong các trường hợp nêu trên, các bên có thể lựa chọn một trong các biện pháp giải quyết tranh chấp sau đây:
- Tòa án Việt Nam;
- Trọng tài Việt Nam;
- Trọng tài nước ngoài;
- Trọng tài quốc tế;
- Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Đầu tư 2020, tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
>> Xem thêm bài viết: So sánh các biện pháp giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh