Trong năm 2023, để được áp dụng ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục như thế nào? Hưởng ưu đãi đầu tư dưới những hình thức nào? – Minh Hằng (Khánh Hòa).
>> Hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư năm 2023 quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 quy định 07 đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, bao gồm:
(1) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư;
(2) Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư;
(3) Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau:
- Có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu; hoặc
- Sử dụng trên 3.000 lao động;
(4) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật;
(5) Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường;
(6) Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;
(7) Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
>> Xem thêm bài viết: Hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư năm 2023 quy định như thế nào?
Lưu ý:
- Ưu đãi đầu tư được áp dụng đối với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.
- Mức ưu đãi cụ thể đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán và đất đai.
- Ưu đãi đầu tư (2), (3) và (4) nêu trên không áp dụng đối với các dự án đầu tư sau đây:
+ Dự án đầu tư khai thác khoáng sản;
+ Dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ dự án sản xuất ô tô, tàu bay, du thuyền;
+ Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở.
- Ưu đãi đầu tư được áp dụng có thời hạn và trên cơ sở kết quả thực hiện dự án của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư.
- Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng các mức ưu đãi đầu tư khác nhau, bao gồm cả ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư 2020 thì được áp dụng mức ưu đãi đầu tư cao nhất.
Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hiện nay, thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư được quy định tại Điều 17 Luật Đầu tư 2020 như sau:
Điều 17. Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư
Căn cứ đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có), Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có), quy định khác của pháp luật có liên quan, nhà đầu tư tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan và cơ quan khác có thẩm quyền tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư.
Bên cạnh đó, theo Điều 23 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Điều 17 Luật Đầu tư 2020, thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư được thực hiện như sau:
- Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư quy định hình thức, căn cứ, điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại các Điều 15 và 16 của Luật Đầu tư 2020 và Điều 19 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
- Căn cứ nội dung ưu đãi đầu tư tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.
- Căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư đối với một số doanh nghiệp, dự án đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định 31/2021/NĐ-CP gồm:
+ Đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
+ Đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
+ Đối với dự án ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao;
+ Đối với dự án công nghiệp hỗ trợ là Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
+ Đối với dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao là Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp nêu trên, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 19 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, quy định của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.
Doanh nghiệp có thể được hưởng ưu đãi đầu tư thông qua các hình thức được quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 bao gồm:
- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
- Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
>> Xem thêm bài viết:
>> Chế độ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (Phần I – Ưu đãi về thuế suất)
>> Chế độ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (phần II – Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế)