Nhà tôi đang bán khô gà, cho tôi hỏi, việc ghi nhãn thực phẩm được quy định như thế nào? – Thị Bé (Yên Bái).
>> Việc quảng cáo thực phẩm năm 2023 được quy định như thế nào?
>> Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ năm 2023?
Khoản 1 Điều 44 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định như sau:
Điều 44. Ghi nhãn thực phẩm
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Mặc dù, Luật An toàn thực phẩm 2010 lại không quy định về khái niệm ghi nhãn thực phẩm, tuy nhiên tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, quy định ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Qua đó, ta thấy, ghi nhãn thực phẩm có thể được hiểu là việc thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về thực phẩm lên nhãn sản phẩm là thực phẩm để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho sản phẩm là thực phẩm của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Việc ghi nhãn thực phẩm năm 2023 được quy định như thế nào? (Ảnh minh họa - Nguồn internet)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật An toàn thực phẩm 2010, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Theo đó, đối với thời hạn sử dụng thực phẩm thể hiện trên nhãn thì tùy theo loại sản phẩm được ghi là “hạn sử dụng”, “sử dụng đến ngày” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật An toàn thực phẩm 2010 và Điều 24 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, phải thực hiện việc ghi nhãn với các trường hợp sau:
- Đối với thực phẩm chức năng phải ghi cụm từ “thực phẩm chức năng” và không được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào về tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh;
- Đối với phụ gia thực phẩm phải ghi cụm từ “phụ gia thực phẩm” và các thông tin về phạm vi, liều lượng, cách sử dụng;
- Đối với thực phẩm đã qua chiếu xạ phải ghi cụm từ “thực phẩm đã qua chiếu xạ”;
- Đối với một số thực phẩm biến đổi gen phải ghi cụm từ “thực phẩm biến đổi gen”;
- Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam thì phải ghi nhãn cho các loại sản phẩm sau:
+ Thực phẩm dinh dưỡng y học phải ghi các cụm từ sau: "Thực phẩm dinh dưỡng y học" và "Sử dụng cho người bệnh với sự giám sát của nhân viên y tế";
+ Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải ghi cụm từ: "Sản phẩm dinh dưỡng (cho đối tượng cụ thể)" trên mặt chính của nhãn để phân biệt với thực phẩm thông thường.
- Riêng đối với sản phẩm nhập khẩu, tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi trên nhãn sản phẩm phải thể hiện: tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân tự công bố hoặc đăng ký bản công bố sản phẩm.
Căn cứ theo Điều 25 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, miễn một số nội dung ghi nhãn bắt buộc đối với các trường hợp sau:
- Sản phẩm mang theo người nhập cảnh để tiêu dùng cá nhân, quà tặng, quà biếu trong định mức được miễn thuế nhập khẩu; sản phẩm nhập khẩu của đối tượng được ưu đãi, miễn trừ ngoại giao; sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; sản phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu; sản phẩm là mẫu trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước;
- Ngoài gia vị và thảo mộc, đối với các bao gói nhỏ, có diện tích bề mặt lớn nhất nhỏ hơn 10 cm2, miễn áp dụng ghi thành phần cấu tạo, thời hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng nếu có nhãn phụ hoặc bao bì ngoài đã thể hiện đầy đủ các nội dung đó;
- Miễn ghi ngày sản xuất đối với dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.