Công ty tôi kinh doanh thực phẩm chức năng, cho tôi hỏi, việc quảng cáo thực phẩm năm 2023 được quy định ra sao? – Mỹ Lệ (Trà Vinh).
>> Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ năm 2023?
>> Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, vận chuyển thực phẩm năm 2023?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012, khái niệm quảng cáo được quy định như sau:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
Có thể thấy, bản chất của quảng cáo chính là giới thiệu đến công chúng những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thậm chí là tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Việc quảng cáo thực phẩm năm 2023 được quy định như thế nào? (Ảnh minh họa - Nguồn internet)
Việc quảng cáo thực phẩm được quy định tại Điều 43 Luật An toàn thực phẩm 2010 như sau:
- Việc quảng cáo thực phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo. Theo đó, điểm đ khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 quy định, khi tiến hành quảng cáo, các tổ chức, cá nhân quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;
- Trước khi đăng ký quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm cần quảng cáo phải gửi hồ sơ tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xác nhận nội dung quảng cáo;
- Người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận.
Các thực phẩm phải đăng ký nội dung quảng cáo được quy định tại Điều 26 Nghị định 15/2018/NĐ-CP bao gồm:
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt;
- Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật Quảng cáo 2012.
Khi các tổ chức, cá nhân tiến hành quảng cáo thực phẩm phải tuân thủ quy định về đăng ký nội dung quảng cáo được quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP như sau:
- Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành;
- Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm;
- Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe:
+ Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền;
+ Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo theo quy định tại điểm a khoản này;
+ Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.
- Hồ sơ đăng ký và thủ tục cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được quy định chi tiết tại khoản 4 và 5 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP.