Tôi dự định bán kem gần trường tiểu học, cho tôi hỏi điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là gì? – Thiên Anh (Kiên Giang).
>> Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, vận chuyển thực phẩm năm 2023?
>> Tại sao lại quy định “Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”?
Theo khoản 10 Điều 3 Nghị định 15/2015/NĐ-CP khái niệm cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ được quy định như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
10. Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.
Tham khảo mục 1 Công văn 3109/BCT-KHCN ngày 20/4/2018 của Bộ Công thương thì khái niệm sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ là một công đoạn trong hoạt động kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
Như vậy, ta thấy rằng, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là hoạt động bao gồm cả sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ.
Khái niệm cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chia các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thành 2 nhóm chính, đó là:
- Cơ sở do các nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh;
- Cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.
Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ năm 2023? (Ảnh minh họa)
Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ được quy định tại Điều 22 Luật An toàn thực phẩm 2010, theo đó các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải tuân thủ các điều kiện sau:
- Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;
- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm;
- Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;
- Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.
Điều 14 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính khi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, theo đó:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn và bao gói sẵn bị hỏng, mốc, bụi bẩn hoặc tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm khác.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn và bao gói sẵn bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;
+ Vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn và bao gói sẵn trong bảo quản thực phẩm;
+ Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn và bao gói sẵn.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định về hành vi kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn và bao gói sẵn bị hỏng, mốc, bụi bẩn hoặc tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm khác.