Tôi định lập cơ sở bán lẻ trong tháng 3/2023. Tôi muốn biết việc cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép lập cơ sở được quy định thế nào trong thời gian này? – Cẩm Tú (Quảng Ngãi).
>> Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu năm 2023 được quy định thế nào?
Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng (theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP).
Ngoài ra, căn cứ các quy định tại khoản 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định về cơ sở bán lẻ như sau:
- Cơ sở bán lẻ là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ.
- Cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất là cơ sở bán lẻ được lập ở Việt Nam bởi một trong những nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ ở Việt Nam, hoặc được lập dưới cùng tên, nhãn hiệu với ít nhất một cơ sở bán lẻ do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có tại Việt Nam.
- Cửa hàng tiện lợi là cơ sở bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng nhanh, bao gồm: Thực phẩm, đồ uống, dược phẩm không kê đơn, thực phẩm chức năng và các sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe, hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác phục vụ tiêu dùng hàng ngày.
- Siêu thị mini là cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500m2 và thuộc loại hình siêu thị tổng hợp theo quy định pháp luật.
- Trung tâm thương mại là địa điểm bao gồm nhiều cơ sở bán lẻ và cung cấp dịch vụ được bố trí tập trung, liên hoàn trong một hoặc một số công trình kiến trúc liền kề.
Quy định về việc cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Trong năm 2023, việc cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ được quy định tại Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP như sau:
- Giấy phép kinh doanh được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các hoạt động sau:
+ Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP;
+ Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP;
+ Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP;
+ Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
+ Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
+ Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
+ Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
+ Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
+ Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
- Giấy phép lập cơ sở bán lẻ được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để lập cơ sở bán lẻ.
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có quyền đề nghị cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ sau khi có Giấy phép kinh doanh và tài liệu về địa điểm lập cơ sở bán lẻ.
- Trường hợp địa điểm lập cơ sở bán lẻ thứ nhất cùng tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương với trụ sở chính, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có quyền đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đồng thời với cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ thứ nhất. Hồ sơ, trình tự thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
- Tổ chức kinh tế thuộc trường hợp quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 phải đáp ứng điều kiện và thực hiện: Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh khi thực hiện các hoạt động phải cấp Giấy phép kinh doanh; thủ tục cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ khi lập cơ sở bán lẻ, theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
- Tổ chức kinh tế có cơ sở bán lẻ tại Việt Nam, sau khi nhận vốn góp trở thành tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế thuộc trường hợp quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020, phải làm thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.
Lưu ý:
- Hồ sơ, trình tự cấp Giấy phép kinh doanh đối với trường hợp này thực hiện theo quy định tại Điều 12 và 13 Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
- Hồ sơ, trình tự cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho phép cơ sở bán lẻ được tiếp tục hoạt động thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
Ngoài các hoạt động thuộc trường hợp phải cấp Giấy phép kinh doanh nêu trên, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế thuộc trường hợp quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 được quyền thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP sau khi đăng ký thực hiện các hoạt động đó tại các giấy tờ có liên quan theo quy định của Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020.
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường, đăng ký thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo quy định nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lấy ý kiến Bộ Công Thương trước khi cấp, thay đổi đăng ký thực hiện các hoạt động đó tại các giấy tờ có liên quan theo quy định của Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020.