Theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp nào mà NLĐ không được đóng bảo hiểm xã hội full lương? – Thanh Long (TP. Hồ Chí Minh).
>> Có được phép yêu cầu người lao động ký cam kết làm việc lâu dài?
>> Có được ký hợp đồng thử việc 02 lần liên tiếp hay không?
Công ty thỏa thuận đóng bảo hiểm xã hội full lương cho tôi; tuy nhiên, mới đây công ty thông báo vì lương của tôi cao (cụ thể 45 triệu đồng/tháng) không thể đóng full lương được. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp nào mà NLĐ không được đóng bảo hiểm xã hội full lương?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:
Điều 89. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.
2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Theo quy định nêu trên, trường hợp tiền lương tháng của người lao động cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì người lao động không được đóng bảo hiểm xã hội full lương mà chỉ đóng bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP, quy định về mức lương cơ sở áp dụng từ ngày 01/7/2023 như sau:
Điều 3. Mức lương cơ sở
…
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.
Theo đó, nếu lương của bạn là 45 triệu đồng/tháng (cao hơn 20 lần mức lương cơ sở) thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật của bạn là 36 triệu đồng.
Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản sửa đổi, hướng dẫn thi hành 2023 |
Trường hợp nào không được đóng bảo hiểm xã hội full lương?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo hướng dẫn tại khoản 3.2 Mục 3 Công văn 1952/BHXH-TST năm 2023, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bao gồm:
- Tiền lương do Nhà nước quy định:
+ Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này tính trên mức lương cơ sở.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do nhà nước quy định bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định của pháp luật về tiền lương.
+ Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.
- Tiền lương do đơn vị quyết định:
+ Mức lương ghi trong hợp đồng lao động;
+ Phụ cấp lương: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự;
+ Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương thực hiện từ 01/01/2018.
Theo hướng dẫn tại khoản 4 Mục 3 Công văn 1952/BHXH-TST năm 2023, phương thức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:
- Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng bảo hiểm xã hội trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan bảo hiểm xã hội mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
- Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán đăng ký phương thức đóng hàng tháng, 03 tháng hoặc 6 tháng một lần: chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Lưu ý: Khi lập ủy nhiệm chi, giấy nộp tiền đơn vị phải ghi đầy đủ 3 tiêu chí gồm tên đơn vị, mã đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội và nội dung nộp tiền.