Hiện em đang có nhu cầu tư vấn pháp lý để hoàn thiện hồ sơ mở công ty cổ phần. Anh/chị có thể hỗ trợ giúp em thủ tục, hồ sơ để thành lập công ty cổ phần và sau khi thành lập thì cần thực hiện những công việc gì không ạ?
Thứ nhất, về thủ tục thành lập công ty cổ phần
Công ty cổ phần là doanh nghiệp mà vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, những người nắm giữ cổ phần được gọi là các cổ đông của công ty. Số lượng cổ đông tối thiểu là ba (03), nhưng không hạn chế số lượng tối đa.
Để xem chi tiết thành phần hồ sơ và thủ tục thành lập công ty cổ phần, chị vui lòng truy cập tại công việc sau: "Đăng ký thành lập doanh nghiệp trong công ty cổ phần".
Thứ hai, các công việc cần làm sau khi thành lập doanh nghiệp
Sau khi thành lập doanh nghiệp, để có thể chính thức hoạt động, công ty chị cần thực hiện một số thủ tục như: đăng bố cáo thành lập, làm con dấu, lập sổ cổ đông, in hóa đơn, kê khai thuế ban đầu... Cụ thể như sau:
1. Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải làm thủ tục để thông báo công khai thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Xem chi tiết trình tự thực hiện và hồ sơ công việc tại đây.
2. Mở tài khoản ngân hàng cho Công ty
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần liên hệ các Ngân hàng thương mại hoặc Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để tiến hành mở tài khoản thanh toán cho doanh nghiệp mình.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứ không cần thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp nữa.
Xem chi tiết tại đây.
3. Thông báo mẫu con dấu
Doanh nghiệp có quyền quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu của công ty; trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Mỗi công ty có một mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước. Tức là, công ty có bao nhiêu con dấu cũng được, nhưng tất cả chúng đều phải thống nhất theo một mẫu dấu đã đăng ký.
Công ty phải thực hiện thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở trước khi sử dụng hay khi có thay đổi, hủy mẫu con dấu, thay đổi số lượng con dấu của công ty.
Xem chi tiết tại đây.
4. Khai, nộp lệ phí lệ thuế môn bài
Doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai, nộp lệ phí môn bài khi mới ra hoạt động kinh doanh cho Chi cục Thuế quản lý trực tiếp.
Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (gọi chung là Đơn vị phụ thuộc) kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh; thì, doanh nghiệp thực hiện khai, nộp lệ phí môn bài cho các Đơn vị phụ thuộc đó với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp có Đơn vị phụ thuộc kinh doanh ở khác địa phương cấp tỉnh; thì, các Đơn vị phụ thuộc đó tự khai, nộp lệ phí môn bài với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp mình.
Doanh nghiệp và Đơn vị phụ thuộc khai lệ phí môn bài một lần khi mới ra hoạt động, kinh doanh, chậm nhất là vào ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh;
Trường hợp mới thành lập nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
Xem chi tiết trình tự thực hiện và hồ sơ công việc tại đây
5. Thông báo cho cơ quan thuế về việc đặt in hóa đơn lần đầu
Doanh nghiệp mới thành lập nếu đủ điều kiện tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế; thì, gửi văn bản Đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in (Mẫu số 3.14 thuộc Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC) đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp của mình.
Mẫu hóa đơn là do doanh nghiệp tự thiết kế, nhưng cần đảm bảo có các nội dung như mẫu Hóa đơn giá trị gia tăng (Mẫu 5.1 thuộc Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC).
Xem chi tiết nội dung công việc tại đây.
6. Treo biển hiệu tại trụ sở công ty
Biển hiệu của doanh nghiệp phải được treo ở cổng chính hoặc mặt trước của trụ sở, và phải chứa các thông tin sau:
- Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
- Tên doanh nghiệp theo đúng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Địa chỉ, số điện thoại.
Chữ viết thể hiện trên biển hiệu phải là tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
Xem chi tiết nội dung công việc tại đây.
Ngoài ra, chị có thể tham khảo 02 bài viết về thuế và lao động đối với doanh nghiệp mới thành lập sau đây:
Một số thủ tục với cơ quan thuế khi doanh nghiệp mới thành lập
Một số công việc về lao động khi doanh nghiệp mới thành lập