Hiện nay, chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con được áp dụng cho đối tượng nào, các vấn đề liên quan đến chế độ này được quy định thế nào? – Nam Phương (Quảng Trị).
>> Thời gian hưởng chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi năm 2023 được quy định như thế nào?
>> Chế độ thai sản với lao động nữ mang thai hộ năm 2023 được quy định thế nào?
Theo quy định tại Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì đối tượng được áp dụng chế độ thai sản là người lao động được quy định tại các điểm a,b,c,d,đ và h khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
File Excel tính mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con năm 2023 |
Thời gian hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con năm 2023? (Ảnh minh họa)
Theo điểm b khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ sinh con thuộc trường hợp người lao động được hưởng chế độ thai sản.
Đồng thời, tại khoản 2,3,4 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định:
- Lao động nữ sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
- Lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
- Trường hợp lao động nữ đủ điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
>> Xem chi tiết công việc liên quan: Hồ sơ giải quyết chế độ thai sản trong doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì thời gian hưởng chế độ khi lao động nữ sinh con và một số trường hợp đặc biệt khác được quy định cụ thể như sau:
(i) Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
(ii) Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian tại mục (i) nêu trên; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
(iii) Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại mục (i) nêu trên. Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
(iv) Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo mục (iii) nêu trên thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo như mục (i) nêu trên.
(v) Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
Lưu ý: Thời gian hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
>> Xem thêm bài viết liên quan:
>> Thời gian hưởng chế độ thai sản với lao động nam khi vợ sinh con năm 2023?
>> Điều kiện để người lao động hưởng chế độ thai sản năm 2023?