Công ty tôi đang có kế hoạch chuyển nhân viên qua văn phòng mới làm việc. Vậy công ty có phải ký lại hợp đồng mới với nhân viên không? – An Nghĩa (Bình Phước).
>> Công ty có phải hỗ trợ tiền cho người lao động bị sa thải?
>> Khi nào NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại được khám sức khỏe định kỳ?
Theo Điều 22 Bộ luật Lao động 2019, việc sửa đổi bổ sung một số điều khoản của hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng được quy định như sau:
- Phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
- Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
Theo quy định nêu trên, ngoại trừ điều khoản về thời hạn thì các điều khoản khác, kể cả điều khoản về địa điểm làm việc của người lao động trong hợp đồng lao động đều có thể được sửa đổi, bổ sung bằng phụ lục hợp đồng.
Như vậy, khi thay đổi địa điểm làm việc, công ty có thể sửa đổi điều khoản về địa điểm làm việc của người lao động trong hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng mà không bắt buộc phải ký hợp đồng lao động mới với người lao động.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Thay đổi địa điểm làm việc, công ty có phải ký hợp đồng lao động mới với nhân viên không?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 2 và điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, việc tự ý thay đổi địa điểm làm việc khác với thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì bị phạt như sau:
Điều 11. Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động
…
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động;
…
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động bố trí người lao động làm việc ở địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
…
Mặt khác, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền áp dụng với tổ chức vi phạm được quy định như sau:
Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, theo quy định nên trên thì trường công ty tự ý thay đổi địa điểm làm việc khác với thỏa thuận trong hợp đồng lao động có thể bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 14 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc công ty bố trí người lao động làm việc ở địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước của người lao động được quy định như sau:
Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
…
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
…
Như vậy, người lao động khi bị công ty tự ý thay đổi địa điểm làm việc khác với thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và không cần báo trước cho công ty biết. Trừ trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019.