Công ty sử dụng người lao động khuyết tật nhẹ (suy giảm khả năng lao động 53%) làm thêm giờ thì có bị xử phạt? – Phương Nga (Phú Yên).
>> Đã có việc làm nhưng không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm, có bị phạt?
>> Doanh nghiệp báo cáo tai nạn lao động sai sự thật, bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại Điều 160 Bộ luật Lao động 2019 quy định về sử dụng người lao động là người khuyết tật làm thêm giờ như sau:
Điều 160. Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật
1. Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.
2. Sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.
Như vậy, trong trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động ở mức 53%, nếu công ty sử dụng người này làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của họ thì đây được xem là hành vi bị cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Sử dụng người lao động khuyết tật nhẹ làm thêm giờ, có bị phạt?
(Ảnh minh hoạ - Nguồn từ Internet)
Tại Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng người lao động khuyết tật nhẹ làm thêm giờ cụ thể như sau:
Điều 31. Vi phạm quy định về người lao động cao tuổi, người khuyết tật
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:
a) Không tham khảo ý kiến của người lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ;
b) Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên hoặc khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
Mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có hành vi vi phạm thì mức xử phạt gấp 02 lần đối với cá nhân (theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Như vậy, công ty sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ. làm việc vào ban đêm trong trường hợp chưa có sự đồng ý của người này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật quy định tại Điều 34 Luật Người khuyết tật 2010 được hưởng các chính sách ưu đãi sau đây:
(i) Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật.
(ii) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.
(iii) Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm.
(iv) Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật.
(v) Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên.
Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.
Trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định công ty sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại mục (i) và (iii) nêu trên.