Cần phải lấy lại những giấy tờ gì khi nghỉ việc để không bị mất quyền lợi? - Đây là thắc mắc của chị Ngọc (Quận 4, TP. Hồ Chí Minh)
>> Đã nộp đơn xin nghỉ việc, có được rút lại không?
>> Công ty có được quy định thời điểm không được nghỉ phép năm?
Cụ thể, chị Ngọc thắc mắc: “Tôi làm nhân viên văn phòng cho 1 công ty ở Quận 4. Định mức công việc làm tôi quá mệt mỏi nên tôi định xin nghỉ để chuyển sang công ty khác làm. Vậy khi nghỉ việc, tôi cần phải lấy lại những giấy tờ gì để không bị mất quyền lợi?”
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Đây là giấy tờ quan trọng chứng minh cho việc chấm dứt hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013 thì người lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thành phần hồ sơ bao gồm đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu, giấy tờ chứng minh đã nghỉ việc, sổ bảo hiểm xã hội. (Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP)
Như vậy, nếu không có giấy tờ chứng minh đã nghỉ việc, chị sẽ không thể hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ làm.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP quy định giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động có thể là một trong các loại giấy tờ sau đây:
- Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Quyết định thôi việc.
- Quyết định sa thải.
- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
- Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động.
- Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động giữa người lao động và doanh nghiệp.
- Giấy xác nhận của doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng lao động với các thông tin về người lao động, loại hợp đồng lao động đã ký, lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Sổ bảo hiểm xã hội là sổ dùng để ghi chép quá trình làm việc, đóng và hưởng bảo hiểm xã hội, làm căn cứ để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho người tham gia.
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác mà người sử dụng lao động giữ của người lao động.
Do đó, khi nghỉ việc, chị phải nhớ lấy lại sổ bảo hiểm xã hội để có thể hoàn thiện đủ giấy tờ làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và các chế độ bảo hiểm xã hội sau này.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trước khi nhận sổ bảo hiểm xã hội cần xác nhận lại xem doanh nghiệp đã chốt thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội hay chưa. Nếu số bảo hiểm xã hội chưa chốt, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ không giải quyết chế độ cho người lao động.
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi cho mình sau khi nghỉ việc, chị cần lưu ý lấy lại các loại giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ chứng minh đã nghỉ việc;
- Sổ bảo hiểm xã hội sau khi đã chốt thời gian đóng.
Ngoài ra, chị cũng cần lưu ý lấy lại bản chính các giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ của chị (nếu có) và bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động để phục vụ cho công việc sau này (nếu cần thiết).
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!