Khi nghỉ việc mà quên nhận trợ cấp thất nghiệp thì có bị mất không? - Đây là thắc mắc của anh Quốc (TP. Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
>> Làm thế nào để kiểm tra công ty có đóng bảo hiểm xã hội cho mình không?
>> Đóng bảo hiểm xã hội dưới một năm thì được hưởng bao nhiêu tiền?
>> Thời gian và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
>> Không làm hồ sơ có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
>> Có được nhận trợ cấp thất nghiệp khi đang thử việc không?
Cụ thể, anh Quốc thắc mắc: “Trước đây vì không biết đến việc nhận trợ cấp thất nghiệp nên khi nghỉ việc tại công ty X, tôi đã ở nhà 4 tháng mà không có việc làm và cũng không làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp. Đến nay khi đi làm tại công ty mới thì tôi mới được tư vấn về việc này. Vậy cho hỏi trường hợp của tôi có bị mất khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp không, vì tôi đã đóng BHTN tại công ty X đến 5 năm liên tục?”
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm 2013 quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:
“1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.”
Theo quy định này, thời gian đóng bảo hiểm tính hưởng trợ cấp thất nghiệp là tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cộng dồn từ khi bắt đầu tham gia đến khi chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa hưởng trợ cấp.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013 quy định người lao động phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Như vậy, trường hợp của Anh Quốc đã quá hạn nộp hồ sơ dẫn tới việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Dù vậy, Anh cũng không bị mất các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian này sẽ được tự động bảo lưu và cộng dồn cho lần hưởng sau khi Anh đủ điều kiện hưởng theo quy định.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!