Cho tôi hỏi: hộ kinh doanh nộp thuế khoán do Cơ quan thuế xác định thì kê khai thuế và nộp tiền thuế như thế nào? – Hồng Hải (An Giang).
>> Phương pháp tính thuế 2023 với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh?
>> Phương pháp tính thuế 2023 với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp theo phương pháp kê khai?
Phương pháp khoán là phương pháp tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu khoán do cơ quan thuế xác định để tính mức thuế khoán theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế 2019.
Phương pháp khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.
>> Xem chi tiết tại:
>> Khai nộp thuế theo phương pháp kê khai
>> Phương pháp tính thuế theo từng lần phát sinh
(Căn cứ khoản 7 Điều 3 và khoản 1 Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC).
Phương pháp tính thuế 2023 với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC), hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (sau đây gọi là hộ khoán) thực hiện khai và tính thuế như sau:
- Hộ khoán tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu khoán do cơ quan thuế xác định để tính mức thuế khoán (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).
- Hộ khoán không phải thực hiện chế độ kế toán.
Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp, bán lẻ hóa đơn theo từng lần phát sinh.
Riêng trường hợp hộ khoán kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa hợp pháp và xuất trình khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
- Hộ khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp từ đầu năm thì hộ khoán thực hiện nộp thuế theo thông báo.
+ Trường hợp hộ khoán đã được thông báo số thuế từ đầu năm nhưng trong năm ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh số thuế phải nộp theo hướng dẫn tại điểm b.4, điểm b.5 khoản 4 Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC.
+ Trường hợp hộ khoán mới ra kinh doanh trong năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) thì hộ khoán thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu kinh doanh trong năm trên 100 triệu đồng; hoặc thuộc diện không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu kinh doanh trong năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
- Hộ khoán khai thuế theo năm thì nộp thuế theo thời hạn ghi trên Thông báo nộp tiền của cơ quan thuế. Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng số thì hộ khoán khai thuế, nộp thuế riêng đối với doanh thu phát sinh trên hóa đơn đó theo từng lần phát sinh.
Căn cứ theo khoản 2 và khoản 3 Điều 51 Luật Quản lý thuế 2019 và khoản 1 Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC, mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (mức thuế khoán) được xác định như sau:
- Cơ quan thuế xác định mức thuế khoán sau khi căn cứ vào:
+ Hồ sơ khai thuế của hộ khoán do hộ khoán tự kê khai theo dự kiến doanh thu và mức thuế khoán của năm tính thuế.
+ Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế.
+ Ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn.
+ Kết quả công khai thông tin và tiếp nhận ý kiến phản hồi từ Hội đồng tư vấn thuế, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn, hộ khoán và các tổ chức, cá nhân khác.
- Mức thuế khoán được tính theo năm dương lịch hoặc theo tháng đối với trường hợp kinh doanh theo thời vụ.
- Mức thuế khoán phải được công khai trong địa bàn xã, phường, thị trấn. Trường hợp có thay đổi ngành, nghề, quy mô kinh doanh, ngừng, tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải khai báo với cơ quan thuế để điều chỉnh mức thuế khoán.
Hộ khoán có thể tra cứu doanh thu khoán, tiền thuế khoán phải nộp trong tháng TẠI ĐÂY.