Cho tôi hỏi: Trong HĐLĐ được ký kết giữa công ty X (chuyên cung cấp các phần mềm máy tính) với nhân viên kỹ thuật có điều khoản bảo vệ bí mật kinh doanh với nội dung là nhân viên không được tiết lộ bất cứ thông tin nào liên quan đến các sản phẩm mà công ty cung cấp. Tuy nhiên, công ty phát hiện người nhân viên này đã chia sẻ thông tin về phần mềm vừa ra mắt của công ty cho một người bạn. Vậy, công ty có quyền yêu cầu nhân viên bồi thường các chi phí tổn thất khi bí mật kinh doanh bị tiết lộ không?
>> Doanh nghiệp có bắt buộc phải có nội quy lao động không?
>> Doanh nghiệp có cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định về việc bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ như sau:
“Điều 4. Bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ
1. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với người lao động về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động hoặc bằng văn bản khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ giữa người lao động và người sử dụng lao động chỉ có hiệu lực khi:
- Người lao động phải làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật;
- Thỏa thuận phải được ghi trong hợp đồng lao động hoặc một văn bản khác theo quy định của pháp luật.
Xét trường hợp của công ty X, có thể thấy nhân viên kỹ thuật làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh của công ty (cụ thể là các phần mềm mà công ty cung cấp) và thỏa thuận bảo vệ bí mật được ghi trong hợp đồng lao động giữa công ty X với nhân viên kỹ thuật này. Vì vậy, người nhân viên kỹ thuật sẽ bị ràng buộc bởi thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh này.
Theo đó, nhân viên này đã không tuân thủ thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh trogn HĐLĐ khi đã tiết lộ thông tin về sản phẩm mà công ty cung cấp cho người khác (cụ thể ở đây là phần mềm vừa ra mắt của công ty).
Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
“Điều 4. Bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ
...
3. Khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:
a) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật Lao động;
b) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.”
Như vậy, công ty X có quyền yêu cầu nhân viên kỹ thuật bồi thường theo thỏa thuận của hai bên với trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại được thực hiện:
- Theo quy định cụ thể tại Điều 71 và Điều 72 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đối với trường hợp phát hiện nhân viên kỹ thuật có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện HĐLĐ.
- Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 pháp luật khác có liên quan trong trường hợp phát hiện nhân viên có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt HĐLĐ.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!