Những cổ đông nào được yêu cầu Toàn án hủy bỏ Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua không đúng quy định về thủ tục triệu tập cuộc họp? – Yến Nhi (Hà Tĩnh).
>> Không thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, bị phạt bao nhiêu tiền?
>> Chậm nộp báo cáo danh sách hưởng trợ cấp dưỡng sức, bị phạt bao nhiêu tiền?
Tôi là cổ đông nắm giữ chỉ 3% tổng số cổ phần phổ thông của công ty. Vậy khi phát hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua không đúng quy định về thủ tục triệu tập cuộc họp thì tôi có quyền yêu cầu Tòa án tuyên hủy bỏ Nghị quyết này không?
Căn cứ Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên (hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty) có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây:
- Trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là hợp pháp.
- Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.
Lưu ý: Yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông phải được đưa ra trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn chỉ nắm giữ 3% tổng số cổ phần phổ thông của công ty nên chưa đáp ứng đủ điều kiện để yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông dù Nghị quyết này vi phạm quy định về thủ tục triệu tập cuộc họp.
Tuy nhiên, bạn có thể tập hợp thêm những cổ đông cũng muốn hủy bỏ Nghị quyết này để tạo thành nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông của công ty. Khi đó, nhóm cổ đông của bạn sẽ có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông vì lý do Nghị quyết vi phạm quy định về thủ tục triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.
Luật Doanh nghiệp và văn bản sửa đổi, hướng dẫn (áp dụng từ ngày 05/3/2023) |
Những cổ đông nào được yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020; cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có những quyền sau đây:
- Tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.
- Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
- Ưu tiên mua cổ phần mới tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty.
- Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 1 Điều 127 của Luật Doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình.
- Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
- Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền sau đây:
- Xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty.
- Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp trong trường hợp sau đây:
+ Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao.
+ Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
- Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết.
Yêu cầu phải bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung sau đây:
+ Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân;
+ Tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
+ Số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty;
+ Vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra.
- Quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.