Theo quy định của pháp luật hiện hành, thành viên Hội đồng quản trị có được ủy quyền cho người khác dự họp không? Mong được giải đáp cụ thể! – Công Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu).
>> Chồng tự ý lấy tài sản chung góp vốn thành lập công ty thì hợp đồng góp vốn có bị vô hiệu?
>> Quy trình kiểm kê tài sản doanh nghiệp mất khả năng thanh toán 2024 thế nào?
Căn cứ theo khoản 9 Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên Hội đồng quản trị được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp.
- Ủy quyền cho người khác đến dự họp và biểu quyết trong trường hợp thành viên được ủy quyền cho người khác dự họp và biểu quyết nếu được đa số thành viên Hội đồng quản trị chấp thuận.
- Tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác.
- Gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua thư, fax, thư điện tử.
- Gửi phiếu biểu quyết bằng phương tiện khác theo quy định trong Điều lệ công ty.
Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy trong năm 2024 thì thành viên Hội đồng quản trị được ủy quyền cho người khác dự họp trong trường hợp được đa số thành viên Hội đồng quản trị chấp thuận.
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn (cập nhật ngày 20/12/2022) |
Giải đáp thắc mắc thành viên Hội đồng quản trị được ủy quyền cho người khác dự họp không (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 154 Luật Doanh nghiệp 2020, Hội đồng quản trị sẽ có từ 03 đến 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên Hội đồng quản trị.
Bên cạnh đó, Điều luật này cũng quy định nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị là không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Đồng thời, một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị của một công ty không quá 02 nhiệm kỳ liên tục.
Trường hợp tất cả thành viên Hội đồng quản trị cùng kết thúc nhiệm kỳ thì các thành viên đó tiếp tục là thành viên Hội đồng quản trị cho đến khi có thành viên mới được bầu thay thế và tiếp quản công việc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, quyền, nghĩa vụ, cách thức tổ chức và phối hợp hoạt động của các thành viên độc lập Hội đồng quản trị.
Tại khoản 1 Điều 155 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về những tiêu chuẩn và điều kiện để trở thành thành viên Hội đồng quản trị như sau:
(i) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
(ii) Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
(iii) Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác.
(iv) Trường hợp là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 thì thành viên Hội đồng quản trị không được là người có quan hệ gia đình của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 155 Luật Doanh nghiệp 2020, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, thành viên độc lập Hội đồng quản trị theo quy định tại diểm b khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020 phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện như sau:
(i) Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó.
(ii) Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định.
(iii) Không phải là người có vợ hoặc chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty.
(iv) Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.
(v) Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ.