Theo quy định của pháp luật hiện hành, ở Việt Nam gồm có những loại văn bản quy phạm pháp luật nào? – Bích Hằng (Bình Phước).
>> Năm 2023, trước khi giao kết hợp đồng các bên cần lưu ý gì về thời hạn?
>> Cách viết HOA trong văn bản hành chính năm 2023?
Căn cứ Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 gồm các loại sau đây:
(i) Hiến pháp.
(ii) Luật, Bộ luật.
(iii) Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(iv) Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước.
(v) Nghị định của Chính phủ; Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(vi) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
(vii) Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
(viii) Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
(ix) Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
(x) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
(xi) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(xii) Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
(xiii) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện.
(xiv) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
(xv) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã.
(xvi) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Các loại văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Căn cứ Điều 10 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật được thể hiện như sau:
- Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật phải thể hiện rõ số thứ tự, năm ban hành, loại văn bản, cơ quan ban hành văn bản.
- Việc đánh số thứ tự của văn bản quy phạm pháp luật phải theo từng loại văn bản và năm ban hành. Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được đánh số thứ tự theo từng loại văn bản và nhiệm kỳ của Quốc hội.
- Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp như sau:
+ Số, ký hiệu của Luật, Nghị quyết của Quốc hội được sắp xếp theo thứ tự như sau: “loại văn bản: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản và số khóa Quốc hội”.
+ Số, ký hiệu của Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được sắp xếp theo thứ tự như sau: “loại văn bản: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản và số khóa Quốc hội”.
+ Số, ký hiệu của các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc trường hợp quy định nêu trên được sắp xếp theo thứ tự như sau: “số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của loại văn bản - tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản”.
Như vậy, không phải những loại văn bản có tên trùng với tên tại Mục 1 bài viết này đều là văn bản quy phạm pháp luật mà nó phải thỏa mãn yêu cầu tại Mục 2 bài viết này. Ví dụ: Quyết định 1460/QĐ-TTg ngày 06/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật.
Văn bản hợp nhất không được coi là văn bản quy phạm pháp luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Tuy nhiên, văn bản hợp nhất lại chứa đựng các quy phạm pháp luật được sử dụng chính thức trong việc áp dụng và thi hành pháp luật (Điều 4 Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012).