Tôi làm công nhân ở Bình Dương và đã tự ý nghỉ việc thì có được chốt sổ BHXH không? – Bé Lê (Bình Dương).
>> Tranh chấp lao động là gì? Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động 2023?
>> Viết đơn xin nghỉ việc theo yêu cầu của sếp, có được công ty bồi thường?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ sau:
- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Như vậy, sau khi nghỉ việc, người lao động có thể nhận được Sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) mà không phụ thuộc vào việc người lao động có tự ý nghỉ việc hay không.
Việc chốt sổ BHXH lại là trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, theo đó:
Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, ta thấy, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan BHXH thực hiện việc chốt số BHXH cho người lao động.
Có thể thấy, không quan trọng việc người lao động nghỉ việc đúng luật hay trái luật, người lao động vẫn có thể nhận được sổ BHXH và người sử dụng lao động sẽ chốt sổ BHXH khi kết thúc công việc.
Năm 2023, người lao động tự ý nghỉ việc có chốt được sổ BHXH? (Ảnh minh họa - Nguồn internet)
Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải liên hệ với công ty cũ để thực hiện việc nhận sổ BHXH và yêu cầu công ty cũ chốt sổ BHXH. Tuy nhiên, nếu người lao động tự ý nghỉ việc thì phải thực hiện nghĩa vụ phát sinh của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật được quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019, theo đó, người lao động sẽ:
+ Không được trợ cấp thôi việc;
+ Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước;
+ Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật Lao động 2019.
Nếu công ty không có thiện chí trả sổ BHXH cho người lao động, người lao động có thể thực hiện một trong các cách sau đây:
- Thực hiện quyền khiếu nại lần đầu đến công ty. Trường hợp người khiếu nại lần 1 không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (theo quy định tại Điều 5 Nghị định 24/2018/NĐ-CP);
- Khởi hiện tại tòa án theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 khi người sử dụng lao động có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.