Cho tôi hỏi trường hợp công ty nợ tiền lương không trả thì người lao động phải làm sao? Pháp luật có quy định như thế nào về vấn đề này? – Hải Hà (Bình Dương).
>> Năm 2023, công ty được chuyển người lao động sang làm công việc khác trong trường hợp nào?
>> Quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động 2023?
Tiền lương là số tiền mà công ty trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc. Công ty có trách nhiệm trả lương đầy đủ và đúng hạn cho người lao động (theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019). Trường hợp vì lý do bất khả kháng thì công ty cũng không được chậm trả lương quá 30 ngày (theo khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019).
Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng công ty không trả đầy đủ, đúng hạn lương cho người lao động (tình trạng nợ tiền lương của người lao động). Có thể thấy, việc công ty nợ tiền lương làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, có thể gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người lao động và gia đình.
Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, dưới đây là một số cách mà người lao động có thể cân nhắc làm để công ty trả đủ lương cho người lao động.
Khi bị công ty nợ tiền lương, người lao động có thể viết đơn đề nghị gửi đến ban lãnh đạo công ty.
Trong đơn đề nghị, người lao động có thể đề cập đến tình hình cuộc sống của người lao động do chưa có lương. Đồng thời, người lao động có thể trích quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm trả lương của công ty như sau:
“Theo quy định tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019, công ty phải trả lương đầy đủ và đúng hạn cho người lao động (trừ trường hợp nêu tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 thì cũng không được chậm quá 30 ngày)”.
Ngoài nội dung trên, người lao động có thể tham khảo các quy định pháp luật khác nêu tại mục 2, mục 3 bài viết này để đưa vào đơn đề nghị công ty trả lương.
Toàn văn File word Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Năm 2023, người lao động cần làm gì khi công ty nợ tiền lương? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Nếu người lao động lựa chọn khiếu nại công ty thì thực hiện trình tự khiếu nại theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Bước 1. Khiếu nại lần đầu
i) Người lao động làm đơn khiếu nại hành vi không trả lương đúng hạn của công ty và gửi đến công ty (khoản 1 Điều 5, khoản 1 Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).
ii) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày công ty nhận được đơn khiếu nại của người lao động công ty phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người lao động và Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính (điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).
iii) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý, công ty phải giải quyết khiếu nại lần đầu. Trừ trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết vụ việc không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý và trường hợp vụ việc ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn (xem chi tiết tại Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).
Nếu người lao động đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của công ty trong thời hạn nêu tại mục iii), thì người lao động không cần tiến hành bước 2.
Bước 2. Khiếu nại lần hai
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu (nêu tại mục iii tại bước 1) mà công ty không giải quyết khiếu nại theo quy định thì người lao động khiếu nại lần 2 đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính (khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 15, khoản 1 Điều 27 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).
Xem chi tiết thủ tục khiếu nại lần 2 tại Mục 5 Chương II Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Người lao động yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động do công ty nợ tiền lương thì thực hiện như sau:
(i) Giải quyết tranh chấp của hòa giải viên lao động: Người lao động viết đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động gửi hòa giải viên lao động và thực hiện các quy trình tiếp theo tại Điều 188 Bộ luật Lao động 2019.
(ii) Lựa chọn giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài lao động hoặc khởi kiện ra Tòa: Trường hợp hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc hòa giải không thành (sau khi thực hiện mục 3.(i)) thì người lao động có quyền lựa chọn một trong hai phương thức sau đây:
+ Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo trình tự tại Điều 189 Bộ luật Lao động 2019.
+ Khởi kiện ra Tòa theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.