Trong tranh chấp lao động, pháp luật quy định hai bên có quyền và nghĩa vụ gì? Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bao gồm những ai? – Nguyên Khang (Yên Bái).
>> Năm 2023, người lao động tự ý nghỉ việc có chốt được sổ BHXH?
>> Tranh chấp lao động là gì? Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động 2023?
Các bên trong giải quyết tranh chấp lao động có các quyền được quy định tại khoản 1 Điều 182 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Trực tiếp hoặc thông qua đại diện để tham gia vào quá trình giải quyết;
- Rút yêu cầu hoặc thay đổi nội dung yêu cầu;
- Yêu cầu thay đổi người tiến hành giải quyết tranh chấp lao động nếu có lý do cho rằng người đó có thể không vô tư hoặc không khách quan.
Nghĩa vụ của các bên trong giải quyết tranh chấp tại khoản 2 Điều 182 Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể là:
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình;
- Chấp hành thỏa thuận đã đạt được, quyết định của Ban trọng tài lao động, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động 2023? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân loại và bổ nhiệm hòa giải viên lao động để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động (khoản 1 Điều 184 Bộ luật Lao động 2019).
Trình tự, thủ tục cử hòa giải viên lao động được thực hiện theo khoản 2, khoản 3 Điều 95 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động
Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động được gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc hòa giải viên lao động.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, theo phân cấp quản lý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phân loại và có văn bản cử hòa giải viên lao động giải quyết theo quy định.
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận đơn từ hòa giải viên lao động theo phân cấp quản lý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ra văn bản cử hòa giải viên lao động theo quy định.
Bước 3: Ra quyết định cử hòa giải viên giải quyết tranh chấp
Tùy theo tính chất phức tạp của vụ việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có thể cử một hoặc một số hòa giải viên lao động cùng tham gia giải quyết.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động có nhiệm kỳ 05 năm, bổ nhiệm Chủ tịch, thư ký và các trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động (khoản 1 Điều 185 Bộ luật Lao động 2019).
Trường hợp nếu có yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích, Hội đồng trọng tài lao động quyết định thành lập Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp theo khoản 4 Điều 185 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
(i) Đại diện mỗi bên tranh chấp chọn 01 trọng tài viên trong số danh sách trọng tài viên lao động;
(ii) Trọng tài viên lao động do các bên lựa chọn theo quy định tại Mục 3(i) thống nhất lựa chọn 01 trọng tài viên lao động khác làm Trưởng Ban trọng tài lao động;
(iii) Trường hợp các bên tranh chấp cùng lựa chọn một trọng tài viên để giải quyết tranh chấp lao động thì Ban trọng tài lao động chỉ gồm 01 trọng tài viên lao động đã được lựa chọn.
Lưu ý: Trừ trường hợp tại Mục 3(iii) Ban trọng tài lao động làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số.