Cho hỏi theo quy định hiện nay người lao động nghỉ việc từ 14 ngày trở lên trong tháng thì cần lưu ý gì để đảm bảo quyền lợi cho mình? – Minh Thành (Tiền Giang).
>> Con nhỏ bị ốm đau, cha được nghỉ hưởng BHXH bao nhiêu ngày?
>> Chế độ cho lao động nữ đi khám thai năm 2023 là như thế nào?
Trong quá trình làm việc thì người lao động (NLĐ) sẽ có thời gian nghỉ phép do nhiều nguyên nhân. Theo đó, đối với trường hợp NLĐ nghỉ việc từ 14 ngày trở lên thì cần lưu ý những vấn đề gì? Bài viết sau sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về từng trường hợp NLĐ nghỉ việc từ 14 ngày trở lên trong tháng.
Tại khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì đối với NLĐ xin nghỉ không lương được quy định như sau:
4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
Như vậy, trong trường hợp NLĐ xin nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng sẽ không được đóng BHXH tháng đó, đồng thời khi tính hưởng các chế độ BHXH thì NLĐ bị trừ thời gian này ra. Doanh nghiệp phải làm thủ tục báo giảm lao động.
Ví dụ 1: Do có việc gia đình nên anh A xin nghỉ không hưởng lương 20 ngày liên tiếp, 12 ngày cuối tháng 3 và 8 ngày đầu tháng 4. Vậy thì, anh A có phải đóng BHXH tháng 2 và tháng 3 không?
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 nêu trên, thì NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Ở đây, mặc dù anh A đã nghỉ liên tiếp 20 ngày, nhưng tháng 3 anh A chỉ nghỉ 12 ngày, tháng 4 nghỉ 08 ngày nên vẫn phải đóng tháng 3 và tháng 4 theo quy định.
Công cụ chuyển lương gross sang net và ngược lại |
Năm 2023, nghỉ việc từ 14 ngày trở lên trong tháng, người lao động cần lưu ý gì? (Ảnh minh họa - nguồn từ internet)
Theo quy định tại khoản 5 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau như sau:
5. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
Theo đó, trong trường hợp NLĐ nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng vẫn được hưởng nguyên quyền lợi BHYT. Tuy nhiên, vì trong thời gian nghỉ này NLĐ không phải đóng BHXH nên không được tính vào thời gian tham gia BHXH để hưởng các chế độ BHXH khác.
Ví dụ 2: Chị C hiện đang là nhân viên của công ty tại Hồ Chí Minh (hàng tháng đóng bảo hiểm đầy đủ). Tháng 02/2023, vì bị sốt nặng phải nhập viện nên chị B nghỉ làm 17 ngày trong tháng. Trong khoảng thời gian nghỉ ốm đó chị B có phải đóng bảo hiểm không? Nếu có thì mức đóng như thế nào?
Theo quy định nêu trên, vì chị C nghỉ việc do sốt nặng 17 ngày (>14 ngày) nên sẽ không phải đóng bất cứ loại bảo hiểm nào (BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN) nhưng chị C vẫn được hưởng quyền lợi BHYT. Và thời gian này không được tính vào thời gian tham gia bảo hiểm của chị C.
Bên cạnh đó, để được hưởng chế độ ốm đau, chị C phải có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì:
6. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
Tại khoản 3 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Do đó, NLĐ nghỉ thai sản nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH nhưng vẫn được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
Ví dụ 3: Tính đến tháng 3/2023 thì chị V tham gia BHXH được 2 năm, đến ngày 10/3/2023 chị V xin nghỉ thai sản. Vì trong tháng 3 này chị C nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nhiều hơn 14 ngày nên chị C không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN.
Lưu ý: khi thực hiện thủ tục báo giảm lao động thì doanh nghiệp ghi chú cụ thể thời gian nghỉ thai sản để cơ quan BHXH đối chiếu và giải quyết.