Những hành vi vi phạm nào về người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính? Mức phạt là bao nhiêu? – Thanh Tân (Long An).
>> Vẫn kinh doanh sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bị phạt tiền bao nhiêu?
>> Hết thời hạn hoạt động ghi trong Điều lệ, có được không giải thể mà gia hạn hoạt động?
Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, những hành vi vi phạm về người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:
(i) Không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.
(ii) Không ủy quyền bằng văn bản cho người khác làm đại diện hoặc ủy quyền bằng văn bản đã hết hạn nhưng không gia hạn khi người đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp xuất cảnh khỏi Việt Nam.
(iii) Người đại diện theo ủy quyền không đủ tiêu chuẩn theo quy định.
(iv) Ủy quyền vượt quá số lượng người được ủy quyền tối đa theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp có những hành vi vi phạm nêu trên bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc đăng ký người đang cư trú tại Việt Nam làm người đại diện của doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm (i).
+ Buộc ủy quyền cho người khác làm đại diện đối với hành vi vi phạm (ii).
+ Buộc thay đổi người đại diện đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định đối với hành vi vi phạm (iii).
Luật Doanh nghiệp và văn bản sửa đổi, hướng dẫn (áp dụng từ ngày 05/3/2023) |
Mức phạt đối với vi phạm quy định về người đại diện theo pháp luật và theo ủy quyền (Ảnh minh họa)
Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là doanh nghiệp phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc cử người đại diện theo ủy quyền thực hiện theo quy định sau đây:
- Doanh nghiệp là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền.
- Doanh nghiệp là cổ đông công ty cổ phần có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền.
Lưu ý: Trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là doanh nghiệp cử nhiều người đại diện theo ủy quyền thì phải xác định cụ thể phần vốn góp, số cổ phần cho mỗi người đại diện theo ủy quyền. Trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty không xác định phần vốn góp, số cổ phần tương ứng cho mỗi người đại diện theo ủy quyền thì phần vốn góp, số cổ phần sẽ được chia đều cho tất cả người đại diện theo ủy quyền.
(Căn cứ khoản 1, 2 và 3 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2020).
(i) Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
(ii) Trường hợp hết thời hạn ủy quyền nêu trên mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:
- Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp.
- Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
(iii) Trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2020, đối với doanh nghiệp chỉ còn một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.
(Căn cứ quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020).