Công ty tôi là công ty cổ phần A có vốn góp của công ty mẹ C là 55% vốn điều lệ, Công ty cổ phần B có vốn góp của công ty mẹ C là 51% vốn điều lệ. Hỏi công ty A và công ty B có được mua, bán thiết bị cho nhau được không?căn cứ nào? hồ sơ pháp lý thế nào cho đúng luật?
>> Lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào?
>> Công ty TNHH 2 thành viên có bắt buộc thành lập tổ chức công đoàn không
Chào anh Thanh, PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được câu hỏi vướng mắc của anh về vấn đề hợp đồng mua bán thiết bị giữa các công ty con có cùng công ty mẹ, Ban Hỗ trợ có một số trao đổi với anh như sau:
Thứ nhất, xác định giao dịch giữa công ty A và công ty B là giao dịch liên kết. Công ty A và công ty B đều có vốn góp của công ty C (51% và 55% vốn điều lệ), do đó quan hệ mua bán thiết bị giữa công ty A và công ty B là giữa các bên có quan hệ liên kết . Cụ thể được quy định tại điều 5 Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
“Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết
…
2. Các bên liên kết tại khoản 1 Điều này được quy định cụ thể như sau:
a) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
b) Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
…”
Đối với giao dịch mua bán thiết bị giữa các bên có quan hệ liên kết thì đây là giao dịch liên kết theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
Thứ hai, hạn chế đối với giao dịch liên kết là phải có sự thông qua của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.
Theo quy định tại điều 162 Luật Doanh nghiệp 2014 thì các giao dịch, hợp đồng phải có sự thông qua của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông đối với các trường hợp đặc biệt, trong đó có trường hợp quan hệ giao dịch, hợp đồng phát sinh với những người liên quan, trong đó có bao gồm cổ đông và những người có liên quan của họ.
Đối với các giao dịch, hợp đồng mua, bán với những người liên quan này, để xác định thẩm quyền quyết định thông qua thuộc về Hội đồng quản trị hay Đại hội đồng cổ đông thì cần xác định giá trị của hợp đồng. Do anh chưa cung cấp thông tin giá trị hợp đồng là bao nhiêu % trên tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp, nên Ban Hỗ trợ đưa ra các trường hợp để anh tham khảo:
- Trường hợp hợp đồng mua bán có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty, thì phải có sự chấp thuận của Hội đồng quản trị.
- Trường hợp hợp đồng mua bán có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp trở lên thì phải có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Do đó, anh cần xác định giá trị cụ thể của hợp đồng này để tiến hành cuộc họp và thông qua biểu quyết cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Anh cũng lưu ý, đối với hợp đồng mua, bán, vay, cho vay hoặc hợp đồng khác nhưng không có giao dịch với người liên quan thì tỉ lệ từ 35% trở lên vẫn thuộc thẩm quyền thông qua của Hội đồng quản trị.
Thứ ba, về hồ sơ, trình tự thực hiện đối với giao dịch mua bán thiết bị giữa các công ty con (các bên có quan hệ liên kết).
Trường hợp hợp đồng phải có sự chấp thuận của Hội đồng quản trị:
Người đại diện công ty ký hợp đồng phải thông báo các thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết.
Do đó, khi hai doanh nghiệp A và B ký hợp đồng mua bán thiết bị thì cần thực hiện trình tự thông báo để Hội đồng quản trị họp và ra quyết định thông qua, trong đó cổ đông là công ty C không có quyền biểu quyết.
Về cuộc họp Hội đồng quản trị, anh tham khảo trình tự của cuộc họp Hội đồng quản trị như bình thường, anh tham khảo tại đây.
Trường hợp hợp đồng phải có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông:
Đối với hợp đồng có giá trị từ 35% trở lên thì trình tự thực hiện giống như trên, tuy nhiên sau khi thông báo cho Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên thì Hội đồng quản trị tiếp tục trình dự thảo hợp đồng hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trường hợp này, cổ đông là công ty C cũng không có quyền biểu quyết; hợp đồng hoặc giao dịch được chấp thuận khi có số cổ đông đại diện 65% tổng số phiếu biểu quyết còn lại tán thành, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.
Về trình tự triệu tập và thông qua quyết định họp Đại hội đồng cổ đông, anh tham khảo chi tiết tại đây.
Sau khi có Quyết định (hoặc Nghị quyết) của Hội đồng quản trị/ Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thì hợp đồng mua bán được phép giao dịch.
Do đó, anh cần lưu ý, đối với hợp đồng mua bán này, nếu không được sự chấp thuận theo trình tự trên thì hợp đồng vô hiệu. Trường hợp gây thiệt hại cho công ty thì người ký kết hợp đồng, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng.
Đồng thời, Ban Hỗ trợ cũng lưu ý với anh, theo quy định tại điều 189 Luật doanh nghiệp 2014 thì khi công ty mẹ can thiệp vào hoạt động của công ty con, và mang lại lợi ích cho một công ty con khác, thì công ty con được hưởng lợi và công ty mẹ phải liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại gây ra cho công ty con.
Còn về hợp đồng mua bán thiết bị giữa các công ty con trong trường hợp này, việc kê khai thuế được thực hiện theo quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
Một số trao đổi cùng anh!