Mã ngành 6910 quy định về vấn đề gì? Muốn thành lập công ty chuyên về hoạt động pháp luật thì đăng ký mã ngành nào?
Mã ngành 6910 là về hoạt động pháp luật (Phụ lục II - Nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg). Nhóm này gồm:
- Đại diện luật pháp về lợi ích của một bên đối với bên kia, dù có trước toà hoặc hội đồng xét xử hay không hoặc dưới sự giám sát của những người là thành viên của tòa như tư vấn và đại diện dân sự, tư vấn và đại diện hình sự...
- Các hoạt động khác của công chứng viên, thẩm phán, thẩm phán viên và trọng tài kinh tế.
Loại trừ: Hoạt động tòa án được phân vào nhóm 84230 (Hoạt động an ninh, trật tự an toàn xã hội).
Như vậy, trường hợp muốn thành lập công ty chuyên về hoạt động pháp luật thì đăng ký mã ngành 6910 nêu trên.
Bảng tra cứu mã ngành nghề kinh doanh |
Mã ngành 6910: Hoạt động pháp luật (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
(i) Nhóm 69101: Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật.
Nhóm này gồm: Đại diện pháp lý cho quyền lợi của một bên đối với bên kia, dù có trước tòa hoặc hội đồng xét xử khác hay không, hoặc có sự giám sát của những người là thành viên của tòa về:
- Tư vấn và đại diện trong vấn đề dân sự.
- Tư vấn và đại diện tội phạm hình sự.
- Tư vấn và đại diện có liên quan đến các vụ tranh chấp về lao động.
- Thống nhất các điều khoản, thoả thuận hợp tác hoặc các tài liệu tương tự liên quan đến thành lập công ty.
(ii) Nhóm 69102: Hướng dẫn chung và tư vấn, chuẩn bị các tài liệu pháp lý.
Nhóm này gồm:
- Thống nhất các điều khoản, thoả thuận hợp tác hoặc các tài liệu tương tự liên quan đến thành lập công ty.
- Hướng dẫn chung và tư vấn, chuẩn bị các tài liệu pháp lý liên quan đến bản quyền, bằng phát minh, sáng chế, quyền tác giả.
- Các hoạt động liên quan đến các thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản, các văn bản thừa kế, di chúc,...
- Chuẩn bị tài liệu pháp lý liên quan đến các thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ văn bản (trừ chữ ký người dịch).
(iii) Nhóm 69109: Hoạt động pháp luật khác.
Nhóm này gồm: Các hoạt động khác của công chứng viên, thẩm phán, thẩm phán viên và trọng tài kinh tế, quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã trong quá trình giải quyết phá sản. Hoạt động đăng ký tài sản, đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp, trao đổi thông tin về các biện pháp bảo đảm.
Căn cứ Điều 34 Luật Luật sư 2006, công ty luật được quy định như sau:
(i) Công ty luật bao gồm công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Thành viên của công ty luật phải là luật sư.
(ii) Công ty luật hợp danh do ít nhất hai luật sư thành lập. Công ty luật hợp danh không có thành viên góp vốn.
(iii) Công ty luật trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
- Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do ít nhất hai luật sư thành lập.
- Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một luật sư thành lập và làm chủ sở hữu.
(iv) Các thành viên công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thoả thuận cử một thành viên làm Giám đốc công ty. Luật sư làm chủ sở hữu công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên là Giám đốc công ty.
(v) Tên của công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do các thành viên thoả thuận lựa chọn, tên của công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do chủ sở hữu lựa chọn và theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 nhưng phải bao gồm cụm từ “công ty luật hợp danh” hoặc “công ty luật trách nhiệm hữu hạn”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề luật sư khác đã được đăng ký hoạt động, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.