Pháp luật hiện hành quy định về sửa chữa máy móc, thiết bị bao gồm những hoạt động gì? Đăng ký mã ngành 3312 có được hay không?
>> Mã ngành 6201 là gì? Lập trình máy vi tính thì đăng ký mã ngành nào?
Theo Phụ lục II của Quyết định 27/2018/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 06/07/2018 về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam thì nhóm mã ngành 3312 - 33120 là về sửa chữa máy móc, thiết bị.
Nhóm mã ngành 3312 bao gồm: Sửa chữa và bảo dưỡng máy móc, thiết bị công nghiệp như mài hoặc lắp đặt lưỡi và răng cưa máy móc công nghiệp hoặc thương mại hoặc cung cấp dịch vụ hàn sửa chữa (ví dụ như động cơ); sửa chữa máy móc thiết bị công nghiệp, nông nghiệp và các máy móc nặng khác (ví dụ thiết bị bốc dỡ vật liệu và xe nâng, các công cụ máy, thiết bị làm lạnh thương mại, thiết bị xây dựng và máy móc khai thác mỏ), bao gồm cả máy móc thiết bị của ngành 28 (Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu).
Cụ thể, bao gồm các hoạt động:
- Sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện động cơ không tự động.
- Sửa chữa và bảo dưỡng máy bơm và thiết bị có liên quan.
- Sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị sử dụng điện năng từ thủy lực.
- Sửa chữa van.
- Sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống bánh răng và các bộ phận chuyển động của xe.
- Sửa chữa và bảo dưỡng các lò luyện trong công nghiệp.
- Sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị vận chuyển bốc dỡ vật liệu.
- Sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị làm lạnh thương mại và thiết bị lọc không khí.
- Sửa chữa và bảo dưỡng máy móc dùng chung cho mục đích thương mại.
- Sửa chữa các dụng cụ cầm tay chạy điện khác.
- Sửa chữa và bảo dưỡng các dụng cụ và phụ tùng máy móc cắt kim loại và tạo hình kim loại.
- Sửa chữa và bảo dưỡng các dụng cụ máy móc khác.
- Bảo dưỡng và sửa chữa máy kéo nông nghiệp.
- Sửa chữa máy nông nghiệp và máy lâm nghiệp và lấy gỗ.
- Sửa chữa và bảo dưỡng máy luyện kim.
- Sửa chữa và bảo dưỡng máy móc trong lĩnh vực khai thác mỏ, xây dựng và khí đốt.
- Sửa chữa máy chế biến thực phẩm, đồ uống và thuốc lá.
- Sửa chữa và bảo dưỡng máy là hàng dệt, quần áo và da.
- Sửa chữa và bảo dưỡng máy làm giấy.
- Sửa chữa và bảo dưỡng các máy móc dùng cho mục đích chuyên dụng khác của ngành 28 (Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu).
- Sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị cân.
- Sửa chữa máy dùng để tính.
- Sửa chữa máy dùng để cộng, máy thu tiền.
- Sửa chữa máy tính có dòng điện hoặc không dòng điện.
- Sửa chữa máy chữ.
- Sửa chữa máy photocopy.
Nhóm mã ngành 3312 sẽ loại trừ đối với: Lắp đặt các lò luyện trong công nghiệp và thiết bị đốt nóng khác được phân vào nhóm 4322 (Lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống sưởi và điều hoà không khí).
Bảng tra cứu mã ngành nghề kinh doanh |
Mã ngành 3312 - 33120: Sửa chữa máy móc, thiết bị (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 3 Thông tư 65/2021/TT-BTC, trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công được quy định như sau:
(i) Việc bảo dưỡng, sửa chữa nhằm đảm bảo tài sản công được duy trì theo đúng công năng và tiêu chuẩn kỹ thuật trang bị ban đầu; không làm thay đổi công năng, quy mô của tài sản công.
(ii) Cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và các văn bản hướng dẫn.
(iii) Thẩm quyền ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công:
- Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
- Đối với tài sản công chưa có chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại gạch đầu dòng thứ nhất khoản (iii) này, căn cứ vào hướng dẫn của nhà sản xuất và thực tế sử dụng tài sản, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định hoặc phân cấp thẩm quyền quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa áp dụng đối với tài sản công tại các cơ quan thuộc phạm vi quản lý.
Căn cứ Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công, bao gồm:
- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công.
- Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
- Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng.
- Sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
- Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.
- Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật.
- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công.
- Chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.
- Hành vi bị nghiêm cấm khác trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật có liên quan.