Mã ngành 1050 thuộc ngành nghề kinh doanh nào? Muốn thành lập công ty chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa thì đăng ký mã ngành nào?
>> Mã ngành 1072 là gì? Sản xuất đường thì đăng ký mã ngành nào?
>> Mã ngành 1061 là gì? Xay xát và sản xuất bột thô thì đăng ký mã ngành nào?
Mã ngành 1050 là về chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa (Theo STT 10 Phần A Mục II Phụ lục II - Nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg). Nhóm này gồm:
- Chế biến sữa tươi dạng lỏng, sữa đã tiệt trùng, sữa diệt khuẩn, đồng hoá và / hoặc đã xử lý đun nóng.
- Chế biến các đồ uống giải khát từ sữa.
- Sản xuất kem từ sữa tươi, sữa đã tiệt trùng, diệt khuẩn, đồng hoá.
- Sản xuất sữa làm khô hoặc sữa đặc có đường hoặc không đường.
- Sản xuất sữa hoặc kem dạng rắn.
- Sản xuất bơ.
- Sản xuất sữa chua.
- Sản xuất pho mát hoặc sữa đông.
- Sản xuất sữa chua lỏng (chất lỏng giống nước còn lại sau khi sữa chua đã đông lại).
- Sản xuất casein hoặc lactose.
- Sản xuất kem và các sản phẩm đá ăn được khác như kem trái cây.
Như vậy, trường hợp muốn thành lập công ty chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa thì đăng ký mã ngành 1050 là đúng với quy định của pháp luật.
Bảng tra cứu mã ngành nghề kinh doanh |
Mã ngành 1050: Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Theo đó, đối với mã ngành 1050 - Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ có những trường hợp được loại trừ sau đây:
- Sản xuất sữa thô (động vật lấy sữa) được phân vào nhóm 01412 (Chăn nuôi trâu, bò).
- Sản xuất sữa thô (cừu, ngựa, dê, lừa...) được phân vào nhóm 01442 (Chăn nuôi dê, cừu).
- Sản xuất sữa tách bơ và các sản phẩm bơ được phân vào nhóm 10790 (Sản xuất thực phẩm khác chưa được phân vào đâu).
- Hoạt động cửa hiệu sản xuất kem được phân vào nhóm 5610 (Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động khác).
Căn cứ Điều 8 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm như sau:
(i) Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm có các quyền sau đây:
- Quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để duy trì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm hợp tác trong việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn.
- Lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm để kiểm tra an toàn thực phẩm; lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm đã được chỉ định để chứng nhận hợp quy đối với thực phẩm nhập khẩu.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
(ii) Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm có các nghĩa vụ sau đây:
- Tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong quá trình kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình kinh doanh.
- Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nhãn thực phẩm và các tài liệu liên quan đến an toàn thực phẩm; lưu giữ hồ sơ về thực phẩm; thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 54 Luật An toàn thực phẩm 2010.
- Thông tin trung thực về an toàn thực phẩm; thông báo cho người tiêu dùng điều kiện bảo đảm an toàn khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm.
- Kịp thời cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn của thực phẩm và cách phòng ngừa cho người tiêu dùng khi nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.
- Kịp thời ngừng kinh doanh, thông tin cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và người tiêu dùng khi phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn.
- Báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền và khắc phục ngay hậu quả khi phát hiện ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm do mình kinh doanh gây ra.
- Hợp tác với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra ngộ độc thực phẩm để khắc phục hậu quả, thu hồi hoặc xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn.
- Tuân thủ quy định của pháp luật, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Chi trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm theo quy định tại Điều 48 Luật An toàn thực phẩm 2010.
- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm mất an toàn do mình kinh doanh gây ra.