Mã ngành 0322 quy định về vấn đề gì? Muốn thành lập công ty chuyên về nuôi trồng thủy sản nội địa thì đăng ký mã ngành nào là đúng với quy định của pháp luật hiện nay?
>> Mã ngành 2391 là gì? Sản xuất sản phẩm chịu lửa thì đăng ký mã ngành nào?
>> Mã ngành 1076 là gì? Sản xuất chè thì đăng ký mã ngành nào?
Mã ngành 0322 là về nuôi trồng thủy sản nội địa (Theo STT 03 Phần A Mục II Phụ lục II - Nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg). Nhóm này gồm nuôi trồng các loại thủy sản ở khu nước ngọt như ao, hồ, đập, sông, suối, ruộng... trong đất liền); nuôi trồng các loại thủy sản khác ở môi trường nước lợ (đầm, phá, cửa sông) là nơi môi trường nước dao động giữa nước mặn và nước ngọt do những biến đổi của thủy triều.
Mã ngành 0322 bao gồm các nhóm sau đây:
- 03221: Nuôi cá.
- 03222: Nuôi tôm.
- 03223: Nuôi thủy sản khác: gồm nuôi các loại thủy sản giáp xác (cua...); nhuyễn thể hai mảnh và các động vật thân mềm khác (ốc...) và các loại thủy sản khác.
- 03224: Sản xuất giống thủy sản nội địa. Nhóm này gồm các hoạt động tạo giống, ươm giống và thuần dưỡng giống các loại thủy sản (cá, tôm, thủy sản khác) nhằm mục đích bán để nuôi thương phẩm, nuôi làm cảnh, nuôi giải trí trong các môi trường nước ngọt, lợ. Ngành này bao gồm:
- Nuôi cá cảnh.
- Nuôi ba ba, ếch, cá sấu.
Như vậy, muốn thành lập công ty chuyên về nuôi trồng thủy sản nội địa thì có thể đăng ký mã ngành 0322 nêu trên.
Bảng tra cứu mã ngành nghề kinh doanh |
Mã ngành 0322: Nuôi trồng thủy sản nội địa (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Theo đó, khi hoạt động thủy sản phải đáp ứng những nguyên tắc sau đây:
- Kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Khai thác nguồn lợi thủy sản phải căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thủy sản để bảo đảm phát triển bền vững.
- Thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
- Bảo đảm chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động trong ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản.
- Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(Căn cứ Điều 5 Luật Thủy sản 2017)
Căn cứ Điều 6 Luật Thủy sản 2017, Nhà nước có những chính sách sau đây đối với hoạt động thủy sản
(i) Nhà nước có chính sách đầu tư cho các hoạt động sau đây:
- Nghiên cứu, điều tra, đánh giá, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi hệ sinh thái thủy sinh; lưu giữ giống gốc của loài thủy sản bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
- Xây dựng cảng cá loại I, loại II, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; hạng mục hạ tầng thiết yếu của khu bảo tồn biển; hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung.
- Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.
(ii) Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động su đây:
- Phát triển khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong lĩnh vực tạo giống thủy sản; sản xuất sản phẩm thủy sản quốc gia, sản phẩm thủy sản chủ lực; sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; công nghệ chế biến phụ phẩm thành thực phẩm hoặc làm nguyên liệu cho ngành kinh tế khác.
- Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề trong hoạt động thủy sản.
- Thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Xây dựng trung tâm nghề cá lớn.
- Mua bảo hiểm nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo; bảo hiểm thuyền viên; bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị cho tàu cá khai thác thủy sản trên biển từ vùng khơi trở ra.
- Phát triển hoạt động thủy sản từ vùng khơi trở ra; khôi phục sản xuất khi có sự cố môi trường, thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản, chuyển đổi nghề nhằm giảm cường lực khai thác thủy sản ven bờ.
- Xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
(iii) Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho hoạt động quy định tại khoản (i), khoản (ii) Mục này và hoạt động sau đây:
- Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, hợp tác.
- Đầu tư công nghệ tiên tiến trong chế biến thủy sản để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; xây dựng chợ đầu mối thủy sản, quảng bá thương hiệu sản phẩm thủy sản.
- Đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển; nuôi trồng thủy sản hữu cơ.
- Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; truy xuất nguồn gốc thủy sản.