Kiểm toán nội bộ là gì? Nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ được quy định như thế nào? Doanh nghiệp nào bắt buộc phải kiểm toán nội bộ?
>> Tiền ăn giữa ca có tính thuế thu nhập cá nhân không?
>> Kiểm toán là gì? Kiểm toán độc lập là gì?
Căn cứ khoản 3 Điều 39 Luật Kế toán 2015, kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ.
Kiểm soát nội bộ là việc thiết lập và tổ chức thực hiện trong nội bộ đơn vị kế toán các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra (theo khoản 1 Điều 39 Luật Kế toán 2015).
Căn cứ khoản 4 Điều 39 Luật Kế toán 2015, kiểm toán nội bộ có nhiệm vụ sau đây:
- Kiểm tra tính phù hợp, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ.
- Kiểm tra và xác nhận chất lượng, độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính của báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị trước khi trình ký duyệt.
- Kiểm tra việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động, quản lý, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính, kế toán, chính sách, nghị quyết, quyết định của lãnh đạo đơn vị kế toán.
- Phát hiện những sơ hở, yếu kém, gian lận trong quản lý, bảo vệ tài sản của đơn vị; đề xuất các giải pháp nhằm cải tiến, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị kế toán.
File word Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành mới nhất năm 2024 |
Kiểm toán nội bộ là gì? Nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Nghị định 05/2019/NĐ-CP, các doanh nghiệp sau đây phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ bao gồm:
- Công ty niêm yết.
- Doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
- Doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Lưu ý:
- Các doanh nghiệp trên có thể đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện hoạt động kiểm toán để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ.
- Trường hợp doanh nghiệp đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ và các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định 05/2019/NĐ-CP.
(Theo khoản 3 Điều 10 Nghị định 05/2019/NĐ-CP)
Như vậy, các doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm toán nội bộ gồm công ty niêm yết, doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Căn cứ Điều 11 Nghị định 05/2019/NĐ-CP, quy định người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
(i) Có bằng đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu kiểm toán, có kiến thức đầy đủ và luôn được cập nhật về các lĩnh vực được giao thực hiện kiểm toán nội bộ.
(ii) Về kinh nghiệm, đáp ứng một trong 03 yêu cầu sau:
- Đã có thời gian từ 05 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo.
- Từ 03 năm trở lên làm việc tại đơn vị đang công tác.
- Từ 03 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hoặc thanh tra.
(iii) Có kiến thức, hiểu biết chung về pháp luật và hoạt động của đơn vị; có khả năng thu thập, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin; có kiến thức, kỹ năng về kiểm toán nội bộ.
(iv) Chưa bị kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên do sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, kế toán hoặc không đang trong thời gian bị thi hành án kỷ luật.
(vi) Các tiêu chuẩn khác do từng đơn vị quy định.