Kẻ xấu mạo danh doanh nghiệp làm ăn chân chính để lừa đảo qua mạng, có cách nào để bị hại đòi lại tiền, bảo vệ được danh tiếng của doanh nghiệp? – Ngọc Trà (TP. Hồ Chí Minh).
>> Cổ phần đã đăng ký mua nhưng chưa thanh toán thì có được chuyển nhượng?
>> Điều kiện kinh doanh bất động sản với chủ đầu tư là doanh nghiệp là gì?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Khi bị lừa đảo qua mạng thì việc tự mình lấy lại số tiền bị lừa đảo thường gặp nhiều khó khăn, vì người bị hại không biết kẻ lừa đảo mình là ai, họ ở đâu để đòi. Do đó, để xử lý được kẻ lừa đảo cũng như lấy lại số tiền bị lừa đảo qua mạng, người bị hại nên thông tin, trình báo lừa đảo với cơ quan có thẩm quyền được giải quyết.
Việc đầu tiên cần làm khi phát hiện mình bị lừa đảo qua mạng là thu thập tất cả các thông tin như nội dung tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản… để làm nguồn chứng cứ trình báo với cơ quan chức năng.
Sau khi có đầy đủ thông tin, nguồn chứng cứ chứng minh về việc lừa đảo qua mạng, người bị hại có thể trình báo hành vi lừa đảo này tới Công an nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) để được giải quyết.
Lưu ý: Trường hợp làm đơn trình báo gửi đến cơ quan Công an, người trình báo cần chuẩn bị hồ sơ gồm đơn trình báo công an, Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân của bị hại (bản sao y có chứng thực), nguồn chứng cứ kèm theo để chứng minh (video, hình ảnh, ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội…).
Trường hợp tới trình báo trực tiếp, người trình báo cũng mang theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân và nguồn chứng cứ kèm theo để cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin.
Mẫu đơn trình báo tội phạm với cơ quan Công an |
Cảnh báo lừa đảo qua không gian mạng (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Ngoài nội dung tại Mục 1 nêu trên, người bị hại còn có thể thông tin, trình báo lừa đảo qua đường dây nóng của cơ quan Công an. Đơn cử như sau:
(i) Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo.
(ii) Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053.
(iii) Địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/ của Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.
(iv) Tại TP. Hồ Chí Minh có thể gọi vào đường dây nóng số 08.3864.0508.
Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân, doanh nghiệp cũng cần tự nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để tự bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ bị lừa đảo qua mạng.
Điều 145. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố - Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. 2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm: a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. 3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố: a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình; b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình; c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục. 4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố. |