Cổ đông có được chuyển nhượng cổ phần đã đăng ký mua nhưng chưa thanh toán hay không? - Hoài Anh ( Điện Biên).
>> Điều kiện kinh doanh bất động sản với chủ đầu tư là doanh nghiệp là gì?
>> Có phải sắp tới sẽ bỏ quy định về bảo hiểm bắt buộc với xe máy?
Hiện nay, theo quy định tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020 về thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp như sau:
Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.
Nếu sau thời hạn nêu trên, cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì thực hiện như sau:
- Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
- Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
- Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều này, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
Nếu người góp vốn trở thành cổ đông của công ty kể từ thời điểm đã thanh toán việc mua cổ phần và những thông tin về cổ đông phải được ghi vào sổ đăng ký cổ đông.
Như vậy, bên mua cổ phần phải thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua trong vòng 90 ngày. Nếu sau 90 ngày không góp đủ thì sẽ không được quyền chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác. Đồng thời, phần chưa góp vốn sẽ trở thành cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.
Chuyển nhượng cổ phần đã đăng ký mua nhưng chưa thanh toán (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Việc chuyển nhượng cổ phần được quy định tại Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 cụ thể:
- Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp cổ phần của cổ đông sáng lập và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Nếu Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
- Việc chuyển nhượng được thực hiện thông qua 02 phương thức:
+ Hợp đồng: giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký
+ Giao dịch trên thị trường chứng khoán: trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Lưu ý:
- Nếu cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty. Nếu không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho cá nhân, tổ chức khác; sử dụng cổ phần để trả nợ. Cá nhân, tổ chức được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ trở thành cổ đông của công ty.
- Cá nhân, tổ chức nhận cổ phần trong các trường hợp nêu trên chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.
- Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty.
>> Xem thêm công việc: Đăng ký thành lập doanh nghiệp Công ty cổ phần