Vì lý do kinh tế, công ty phải cắt giảm một số lao động và có hỗ trợ tiền cho nhân viên nghỉ việc; vậy khoản tiền đó có phải đóng thuế TNCN? – Ý Nhi (Gia Lai).
>> Có nên thử việc không lương tại công ty nổi tiếng?
>> Người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa bao nhiêu tháng?
Vì lý do kinh tế, công ty phải cắt giảm một số lao động; ngoài việc trả trợ cấp mất việc làm theo quy định thì công ty còn hỗ trợ thêm cho mỗi người lao động nghỉ việc từ 10 đến 30 triệu đồng. Vậy khoản tiền đó có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ theo quy định tại tiết b.6 điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định các khoản trợ cấp được giảm miễn thuế thu nhập cá nhân như sau:
" Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
...
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
...
b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội".
Bên cạnh đó, tại Công văn 3168/CT-TTHT ngày 04/4/2019 của Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh có hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công như sau: Các khoản chi trả ngoài quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội thì khoản chi trả này phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, khoản tiền mà công ty hỗ trợ thêm cho người lao động bị cho nghỉ việc (từ 10 đến 30 triệu đồng) là khoản chi trả ngoài quy định của Bộ luật Lao động 2019 và Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Do đó, bạn phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho khoản tiền hỗ trợ được nhận này.
Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Khoản hỗ trợ cho người lao động nghỉ việc, có đóng thuế TNCN? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Ngoài trợ cấp mất việc làm và khoản tiền do công ty hỗ trợ (nếu có) thì khi người lao động nghỉ việc vì lý do kinh tế mà chưa có việc làm ngay, người lao động còn có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm 2013, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm 2013 đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
(i) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
(ii) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm 2013; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm 2013;
(iii) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm 2013;
(iv) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Chết.
Nếu người lao động đáp ứng đủ điều kiện trên thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức hưởng như sau:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Điều 43. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp - Luật Việc làm 2013 1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này. |