Là sinh viên mới tốt nghiệp thì nên làm việc có nhận lương tại doanh nghiệp nhỏ hay thử việc không lương ở các công ty nổi tiếng? – Xuân Tiến (Hòa Bình).
>> Người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa bao nhiêu tháng?
>> Phạt tiền người lao động đi làm trễ, có đúng pháp luật?
Em vừa tốt nghiệp đại học, có nộp hồ sơ xin việc một số nơi; trong đó, một doanh nghiệp tư nhân (không có tên tuổi) nhận em vào làm việc với mức lương thử việc là 9.000.000 đồng/tháng; và một công ty lớn, rất nổi tiếng đồng ý cho em thử việc 02 tháng nhưng không hưởng lương, sau 02 tháng thử việc nếu đạt yêu cầu sẽ xem xét ký hợp đồng lao động, mức lương theo năng lực.
Vậy em nên làm việc có nhận lương tại doanh nghiệp nhỏ hay thử việc không lương ở công ty nổi tiếng?
Theo Điều 26 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Do đó, trường hợp “thử việc không lương” thể hiện công ty đã vi phạm pháp luật về lao động.
Hiện nay, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Vùng I, II, III, IV lần lượt là 4.680.000 đồng/tháng, 4.160.000 đồng/tháng, 3.640.000 đồng/tháng, 3.250.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương thử việc tối thiểu của người lao đồng là bằng 85% của mức nêu trên.
Căn cứ điểm c khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó. Đồng thời, ngoài việc bị phạt tiền như trên, người sử dụng lao động buộc phải trả lương thử việc cho người lao động đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền nêu trên là áp dụng với trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân; trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt tiền là từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Bảng tra cứu mức lương tối thiểu vùng năm 2023 |
Chế tài đối với việc người sử dụng lao động áp dụng chính sách “thử việc không lương”
Việc công ty thực hiện chính sách “thử việc không lương” là vi phạm pháp luật, mang dấu hiệu của sự bóc lột sức lao động của người thử việc, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động… Do đó, bạn nên tìm đến môi trường làm việc chuyên nghiệp, thực hiện đúng quy định pháp luật; có như vậy, bạn mới đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình và có cơ hội thăng tiến…
Điều 10. Vi phạm quy định về thử việc - Nghị định 12/2022/NĐ-CP 1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng; b) Không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định. 2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc; b) Thử việc quá thời gian quy định; c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó; d) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều này; b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này. |