Tôi dự định thành lập doanh nghiệp sản xuất bao bì nên cần tuyển công nhân vào làm việc. Cho tôi hỏi những nội dung nào cần có trong hợp đồng lao động? – Thành Tiến (Khánh Hòa).
>> Nội dung hợp đồng lao động với NLĐ được thuê làm Giám đốc trong DN có vốn nhà nước?
>> Xài hết khoản tạm ứng cho công việc, người lao động có bị khấu trừ vào lương?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 (được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH) thì hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
(1) Thông tin về tên, địa chỉ của doanh nghiệp và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía doanh nghiệp được quy định như sau:
- Tên của doanh nghiệp: thì lấy theo tên của doanh nghiệp ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư;
- Địa chỉ của doanh nghiệp: đối với doanh nghiệp lấy theo địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía doanh nghiệp: ghi theo họ tên, chức danh của người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động.
(2) Thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động và một số thông tin khác, gồm:
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có), số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền cấp của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
- Số giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với người lao động là người nước ngoài;
- Họ tên, địa chỉ nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi.
(3) Công việc và địa điểm làm việc được quy định như sau:
- Công việc: những công việc mà người lao động phải thực hiện;
- Địa điểm làm việc của người lao động: địa điểm, phạm vi người lao động làm công việc theo thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc có tính chất thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó.
(4) Thời hạn của hợp đồng lao động: thời gian thực hiện hợp đồng lao động (số tháng hoặc số ngày), thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn); thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn).
(5) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định như sau:
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh: ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng; đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;
- Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên như sau:
+ Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
+ Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
- Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:
+ Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
+ Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Đối với các chế độ và phúc lợi khác như thưởng, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
- Hình thức và kỳ hạn trả lương do hai bên xác định.
(6) Chế độ nâng bậc, nâng lương: theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy định của doanh nghiệp.
(7) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: theo thỏa thuận của hai bên hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy lao động, quy định của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể và quy định của pháp luật.
(8) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động: những loại phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của doanh nghiệp và quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
(9) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp: theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
(10) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề: quyền, nghĩa vụ và lợi ích của doanh nghiệp và người lao động trong việc bảo đảm thời gian, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Nội dung phải có trong hợp đồng lao động năm 2023 (Ảnh minh họa)
Nội dung hợp đồng lao động với người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước được hướng dẫn cụ thể tại Mục 1 Chương III Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
>> Xem thêm bài viết: Nội dung hợp đồng lao động với NLĐ được thuê làm Giám đốc trong DN có vốn nhà nước?
Trong trường hợp người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về những vấn đề sau đây:
- Nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh;
- Nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật công nghệ;
- Quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.
(Khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019)
Trong trường hợp người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì tùy theo loại công việc mà hai bên có thể giảm một số nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết (Khoản 3 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019).
>> Xem thêm công việc:
>> Thông báo tuyển dụng lao động
>> Giao kết hợp đồng lao động với người cao tuổi
>> Giao kết hợp đồng lao động với người chưa thành niên
>> Giao kết hợp đồng lao động với người lao động có làm việc ở nơi khác
Toàn văn File word Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |