Dear anh/ chị! Mình bên Công ty TNHH xây dựng ***, là công ty 100% vốn nước ngoài, là CTy MTV, NGười đại diện pháp luật là Giám đốc của Công ty. Vậy cho mình hỏi làm Hợp đồng lao động cho Giám đốc thì ai là người ký HĐLĐ, vì cty vẫn trả lương và đóng BHXH, BHYT cho sếp.
>> Có được bán máy qua sử dụng của công ty không?
Chào chị,
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được câu hỏi từ chị, nên Ban hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
Thứ nhất, về thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động với Giám đốc.
Căn cứ theo khoản 3 điều 141 Bộ luật dân sự 2015 thì người đại diện không được nhân danh công ty xác lập giao dịch dân sự với chính mình.
"Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác."
Do đó, giám đốc (người đại diện theo pháp luật) của công ty chị sẽ không thể đại diện cho pháp nhân để ký hợp đồng lao động (thực hiện giao dịch dân sự) với chính mình.
Tại Điều 79, 80 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về quyền của Hội đồng thành viên và Chủ tịch công ty như sau:
"Điều 79. Hội đồng thành viên
1. Thành viên Hội đồng thành viên do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm, miễn nhiệm gồm từ 03 đến 07 thành viên với nhiệm kỳ không quá 05 năm. Hội đồng thành viên nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan....".
"Điều 80. Chủ tịch công ty
1. Chủ tịch công ty do chủ sở hữu bổ nhiệm. Chủ tịch công ty nhân danh chủ sở hữu thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty....".
Theo các căn cứ nêu trên, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có quyền thuê hoặc bổ nhiệm Giám đốc công ty.
Vì vậy, hợp đồng lao động của giám đốc do Chủ tịch Hội đồng thành viên (thay mặt Hội đồng thành viên) hoặc Chủ tịch công ty ký kết.
Chị có thể xem thêm tại công việc Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc).
Căn cứ theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về đối tượng áp dụng Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;”
Theo đó, người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nếu trong thang bảng lương của công ty đã có ghi nhận mức lương của giám đốc thì giám đốc vẫn được đóng bảo hiểm xã hội căn cứ vào mức lương trong thang bảng lương, không nhất thiết phải ký hợp đồng lao động mà chỉ cần có quyết định bổ nhiệm của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty.
Trên đây là một số nội dung trao đổi cùng chị.
Cảm ơn chị đã sử dụng dịch vụ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP và kính chúc chị luôn thật nhiều sức khỏe.