GAP là gì? Chứng nhận VietGAP được hiểu như thế nào? Hình thức đánh giá, trình tự và nội dung đánh giá tổ chức giấy chứng nhận VietGAP được quy định cụ thể ra sao?
>> PR là gì? PR có phải là quảng cáo không?
>> Đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải đáp ứng các yêu cầu nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 48/2012/TT-BTNMT, GAP (Good Agricultural Practices), nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, là tập hợp các tiêu chí do tổ chức, quốc gia, nhóm quốc gia ban hành hướng dẫn người sản xuất áp dụng nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cùng các văn bản hướng dẫn |
Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 2, khoản 4 Điều 2 Thông tư 48/2012/TT-BTNMT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư 06/2018/TT-BNNPTNT), chứng nhận VietGAP là hoạt động đánh giá, xác nhận của tổ chức chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm được sản xuất phù hợp với VietGAP.
Quy trình (Quy phạm) thực hành sản xuất nông nghiệp tốt là các GAP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, chăn nuôi (Vietnamese Good Agricultural Practices - VietGAP).
Căn cứ Điều 14 Thông tư 48/2012/TT-BTNMT, hình thức đánh giá của tổ chức chứng nhận VietGAP được quy định như sau:
(i) Đánh giá lần đầu được thực hiện sau khi cơ sở sản xuất ký hợp đồng chứng nhận VietGAP.
(ii) Đánh giá hành động khắc phục được thực hiện sau khi cơ sở sản xuất được đánh giá nhưng chưa đủ điều kiện được cấp hoặc duy trì hoặc mở rộng Giấy chứng nhận VietGAP.
(iii) Đánh giá lại được thực hiện khi cơ sở sản xuất yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận VietGAP đã hết hiệu lực.
(iv) Đánh giá giám sát được thực hiện sau khi được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Đánh giá giám sát có thể thực hiện định kỳ (báo trước) hoặc đột xuất (không báo trước); số lần đánh giá giám sát do tổ chức chứng nhận quyết định tuỳ trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo việc duy trì VietGAP của cơ sở sản xuất.
(v) Đánh giá đột xuất được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Khi có khiếu nại về việc cơ sở sản xuất không tuân thủ VietGAP.
- Khi phát hiện sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo VietGAP không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
- Khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Căn cứ Điều 16 Thông tư 48/2012/TT-BTNMT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 2 Thông tư 06/2018/TT-BNNPTNT), trình tự và nội dung đánh giá được quy định như sau:
(i) Đánh giá quá trình sản xuất theo các tiêu chí đánh giá và hướng dẫn đánh giá có trong VietGAP của từng loại sản phẩm.
Lưu ý: Riêng đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực thủy sản; sản phẩm bò sữa, gia cầm, lợn, ong thuộc lĩnh vực chăn nuôi tiêu chí đánh giá theo Phụ lục IXA, Phụ lục IXB và Phụ lục IXC ban hành kèm theo Thông tư 48/2012/TT-BTNMT cho đến khi ban hành VietGAP phiên bản mới.
(ii) Lấy mẫu môi trường (đất, nước, không khí), vật tư đầu vào, chất thải hoặc mẫu điển hình của sản phẩm và xác định chỉ tiêu phân tích theo quy định tại VietGAP (trong trường hợp cơ sở sản xuất không cung cấp được kết quả phân tích hoặc kết quả phân tích không phù hợp).
Phương pháp lấy mẫu, phương pháp thử theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định, trường hợp chưa có quy định thì theo phương pháp của phòng thử nghiệm được công nhận hoặc chỉ định.
(iii) Đối với cơ sở sản xuất nhiều thành viên:
- Đánh giá hệ thống quản lý chất lượng nội bộ theo Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư 48/2012/TT-BTNMT.
- Đánh giá tài liệu lưu trữ.
- Đánh giá thành viên đại diện nhóm: Số lượng thành viên đại diện nhóm được đánh giá do tổ chức chứng nhận quyết định theo từng trường hợp cụ thể nhưng tối thiểu bằng căn bậc 2 (đối với đánh giá lần đầu) hoặc tối thiểu 2/3 của căn bậc 2 (đối với đánh giá lại) hoặc tối thiểu ½ của căn bậc 2 (đối với đánh giá giám sát) của tổng số thành viên trong nhóm.
(iv) Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 và Điều 17 Thông tư 48/2012/TT-BTNMT, các tổ chức chứng nhận VietGAP xây dựng hướng dẫn chi tiết về hồ sơ đăng ký; trình tự và nội dung đánh giá, thời gian đánh giá, cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho từng sản phẩm cụ thể và thông báo cho tổ chức, cá nhân đăng ký chứng nhận VietGAP.