Gần đây, công ty tôi có những chính sách hà khắc và đuổi việc nhân viên khi chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết. Vậy trường hợp này công ty tôi có bị phạt không? - Ngọc Ánh (Cao Bằng).
>> Không được trả lương thử việc, giải quyết thế nào?
>> Sa thải phụ xe sàm sỡ khách, nhà xe có làm đúng luật?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Hằng năm, khi đến gần dịp Tết Âm lịch, các doanh nghiệp thường có xu hướng cắt giảm chi phí bằng việc tìm cách để buộc người lao động phải thôi việc để né thưởng tết. Tuy nhiên, việc làm này có thể dẫn đến rủi ro doanh nghiệp bị xử phạt theo quy định pháp luật về lao động.
Hiện nay, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (thường gọi là “đuổi việc”) của phía người sử dụng lao động được quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 bao gồm :
(1) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
(2) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị chưa hồi phục khả năng lao động.
(3) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;
(4) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động;
(5) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
(6) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
(7) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.
Nếu doanh nghiệp tự ý đuổi việc người lao động mà không vì một trong các lý do nêu trên thì bị xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo Điều 39 Bộ luật Lao động 2019.
File Excel tính tiền thưởng Tết Âm lịch Quý Mão 2023 |
Để né thưởng Tết Âm lịch 2023, nhiều doanh nghiệp đã tự ý đuổi việc người lao động không đúng quy định nêu trên. Việc làm này có thể gây ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp về hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật được quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
(i) Doanh nghiệp phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết;
(ii) Phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc; và
(iii) Phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho doanh nghiệp các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận. Nếu không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước, cụ thể:
+ Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn: báo trước ít nhất 45 ngày;
+ Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng: báo trước ít nhất 30 ngày;
+ Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng: báo trước ít nhất 03 ngày làm việc;
+ Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
- Nếu người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền (ii) (iii) nêu trên, doanh nghiệp còn phải trả trợ cấp thôi việc để chấm dứt hợp đồng lao động.
- Nếu doanh nghiệp không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền (ii), (iii) nêu trên, doanh nghiệp còn phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định và hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp đuổi việc người lao động bằng hình thức sa thải để không phải trả thưởng Tết mà không đúng quy định pháp luật thì có thể chịu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) mức phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Xem thêm bài viết: Cần làm gì khi bị doanh nghiệp đuổi việc để né thưởng Tết Âm lịch 2023?