Tôi đã nghỉ hết phép năm 2023, nhưng giữa tháng 12 này là đám cưới bạn thân ở quê. Tôi phải làm sao để được nghỉ đúng luật, để về quê đi đám cưới bạn? – Đức Tài (An Giang).
>> Chưa nghỉ làm, có được ký hợp đồng lao động với công ty khác?
>> Công ty không tạm ứng tiền lương khi nghỉ phép năm: Có sai luật?
Căn cứ Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, người lao động nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:
Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:
- Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Đồng thời, người lao động phải có tránh nhiệm thông báo cho người sử dụng lao động khi nghỉ để người sử dụng lao động bố trí, sắp xếp công việc cho phù hợp.
Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
Ngoài các trường hợp nghỉ được liệt kê nêu trên thì người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để được nghỉ không hưởng lương.
Do đó, trường hợp bạn đã nghỉ hết ngày nghỉ hàng năm năm 2023 (thực tế thường gọi là ngày nghỉ phép năm 2023), nhưng bạn muốn nghỉ thêm để đi đám cưới bạn thân ở quê thì bạn phải thỏa thuận với người sử dụng lao (cần nêu rõ lý do nghỉ để người lao động hiểu và xem xét quyết định).
Bộ luật Lao động 2019 và văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ 18/9/2023) |
Có thể thỏa thuận với công ty để nghỉ thêm nếu đã nghỉ hết phép năm (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, tương ứng với những điều kiện, tính chất đặc thù của từng công việc mà người lao động làm việc đủ 12 tháng được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Ngoài ra, căn cứ Điều 114 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc như sau:
Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Nếu trường hợp người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
Căn cứ khoản 5 Điều 113, khoản 3 Điều 97 và khoản 3 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được tạm ứng tiền lương trong các trường hợp sau:
- Theo điều kiện do hai bên thỏa thuận.
- Để thực hiện nghĩa vụ công dân (không áp dụng đối với người lao động nhập ngũ theo quy định).
- Người lao động bị tạm đình chỉ công việc.
- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán.
- Trường hợp đến nghỉ phép hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương.
Do đó, khi đã nghỉ hết phép năm nhưng người lao động nghỉ thêm và muốn ứng tiền lương thì người lao động phải thỏa thuận với người sử dụng lao động. Nếu được người sử dụng lao động đồng ý thì người lao động được ứng tiền lương.
Điều 97. Kỳ hạn trả lương - Bộ luật Lao động 2019 1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần. 2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ. 3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng. 4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương. |