Tôi thấy một số công ty phân biệt vùng miền khi tuyển dụng người lao động; việc làm đó có vi phạm pháp luật hay không? Bị xử phạt như thế nào? – Hải Yến (Thanh Hóa).
>> Công ty phá sản và chưa chốt sổ BHXH, làm sao để hưởng BHXH một lần?
>> Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, tôi sẽ nhận được bao nhiêu tiền bồi thường?
Trong quá trình tìm việc, tôi thấy một số công ty thông báo không nhận lao động đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng... Vậy việc làm này của các công ty này có đúng quy định pháp luật không? Nếu vi phạm thì bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019, phân biệt đối xử trong lao động được hiểu là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên những yếu tố sau đây:
- Chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc;
- Giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân;
- Tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV;
- Vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
- Đồng thời, hành vi này phải có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên, nếu công ty có hành vi phân biệt vùng miền khi tuyển dụng thì đây có thể được xem là hành vi phân biệt đối xử trong lao động.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng nếu việc phân vùng miền khi tuyển dụng này là do xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.
Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Công ty phân biệt vùng miền khi tuyển dụng, có bị xử phạt?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 8 Bộ luật Lao động 2019, các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động được quy định như sau:
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động
1. Phân biệt đối xử trong lao động.
…
Như vậy, hành vi phân biệt đối xử trong lao động là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động. Công ty phân biệt vùng miền khi tuyển dụng sẽ bị xử lý theo quy định khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Điều 8. Vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động
…
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Phân biệt đối xử trong lao động trừ các hành vi phân biệt đối xử quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 36 và khoản 2 Điều 37 Nghị định này;
…
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt trên là mức phạt áp dụng cho trường hợp người vi phạm là cá nhân. Trường hợp nếu người vi phạm là tổ chức thì mức phạt sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, công ty có hành vi phân biệt vùng miền khi tuyển dụng có thể bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (trừ những hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 36 và khoản 2 Điều 37 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì sẽ có những mức phạt cụ thể khác).
Căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật số 12/2017/QH14), người có hành vi phân biệt vùng miền theo mức độ mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác. Cụ thể, hình phạt đối với tội làm nhục người khác có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc có thể bị phạt tù từ 01 đến 05 năm.
Hơn nữa, căn cứ Điều 116 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi phân biệt vùng miền còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá hoại chính sách đoàn kết. Cụ thể, hình phạt đối với tội phá hoại chính sách đoàn kết có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc cao nhất từ 07 đến 15 năm nếu:
- Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội;
- Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
- Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.