Tôi muốn hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, nhưng công ty đã phá sản và chưa chốt sổ BHXH cho tôi. Vậy tôi phải làm sao để được hưởng BHXH một lần? – Ngân Thủy (Vĩnh Long).
>> Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, tôi sẽ nhận được bao nhiêu tiền bồi thường?
>> Lao động nữ sinh đôi, có được hưởng chế độ thai sản gấp hai lần hay không?
- Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội (hay còn gọi là chốt sổ bảo hiểm xã hội), bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.
- Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động phải phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, dựa theo 02 quy định nêu trên, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chốt sổ BHXH cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất |
File Excel tính số tiền đóng BHXH bắt buộc từ ngày 01/7/2023 |
Công ty phá sản và chưa chốt sổ BHXH, làm sao để hưởng BHXH một lần? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nếu công ty đã phá sản mà chưa chốt sổ BHXH thì người lao động thực hiện một trong hai cách sau đây:
(i) Có thể khiếu nại trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện để yêu cầu giải quyết.
Theo đó, người lao động có thể đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty cũ đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết. Lúc này, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành xác minh và liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội để chốt sổ BHXH cho bạn.
(ii) Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
(iii) Bên cạnh đó, sau khi được cơ quan có thẩm quyền giải quyết chốt sổ BHXH, người lao động muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần thì nộp hồ sơ đến cơ quan Bảo hiểm xã hội như sau:
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động.
- Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:
+ Hộ chiếu do nước ngoài cấp.
+ Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài.
+ Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
- Trích sao hồ sơ bệnh án trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 và điểm c khoản 1 Điều 77 của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
(Căn cứ theo quy định tại Điều 109 Luật bảo hiểm xã hội 2014).
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, công ty có hành vi vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động thì bị áp dụng mức phạt tiền như sau:
- Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Như vậy, nếu công ty không chốt sổ bảo hiểm xã hội thì có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng tùy vào số lượng người lao động không được chốt sổ bảo hiểm xã hội.