Công ty kinh doanh chứng khoán có phải gặp giá trị rủi ro gì hay không? Đó là những loại giá trị rủi ro nào? Dựa vào đâu để tính các giá trị rủi ro này? – Thúy Bình (Bắc Giang).
>> Những ngành, nghề và địa bàn nào được hưởng ưu đãi đầu tư?
>> Ưu đãi đầu tư thay đổi như thế nào trong trường hợp thay đổi pháp luật?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo Chương II Thông tư 91/2020/TT-BTC đối với công ty kinh doanh chứng khoán, có thể gặp 03 giá trị rủi ro và được giải thích tại Điều 2 Thông tư 91/2020/TT-BTC cụ thể:
(1) Giá trị rủi ro thị trường là giá trị tương ứng với mức độ tổn thất có thể xảy ra khi giá thị trường của tài sản đang sở hữu và dự kiến sẽ sở hữu theo cam kết bảo lãnh phát hành biến động theo chiều hướng bất lợi.
(2) Giá trị rủi ro thanh toán là giá trị tương ứng với mức độ tổn thất có thể xảy ra khi đối tác không thể thanh toán đúng hạn hoặc chuyển giao tài sản đúng hạn theo cam kết.
(3) Giá trị rủi ro hoạt động là giá trị tương ứng với mức độ tổn thất có thể xảy ra do lỗi kỹ thuật, lỗi hệ thống và quy trình nghiệp vụ, lỗi con người trong quá trình tác nghiệp, do thiếu vốn kinh doanh phát sinh từ các khoản chi phí, lỗ từ hoạt động đầu tư, do các nguyên nhân khách quan khác.
>> Xem thêm bài viết:
>> Giá trị rủi ro hoạt động của công ty kinh doanh chứng khoán là gì?
>> Làm cách nào để xác định giá trị rủi ro thị trường của công ty chứng khoán?
>> Xác định giá trị rủi ro thanh toán trong công ty chứng khoán như thế nào?
Bên cạnh đó, tổng các giá trị rủi ro thị trường, giá trị rủi ro thanh toán và giá trị rủi ro hoạt động còn được gọi chung là tổng giá trị rủi ro.
Giá trị rủi ro là một trong những chỉ tiêu an toàn tài chính trong công ty kinh doanh chứng khoán. Cụ thể, các chỉ tiêu an toàn tài chính trong công ty kinh doanh chứng khoán bao gồm:
- Vốn khả dụng;
- Giá trị rủi ro; và
- Tỷ lệ vốn khả dụng và chế độ báo cáo của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
03 giá trị rủi ro mà công ty chứng khoán có thể gặp phải (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Khi tính các giá trị rủi ro của công ty chứng khoán, cần áp dụng các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Thông tư 91/2020/TT-BTC, bao gồm:
Nguyên tắc 1: Công ty kinh doanh chứng khoán có trách nhiệm tính toán các chỉ tiêu an toàn tài chính và chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả tính toán.
Nguyên tắc 2: Các chỉ tiêu tài sản và nguồn vốn sử dụng để tính giá trị vốn khả dụng và các giá trị rủi ro phải được cập nhật tới thời điểm tính toán.
Nguyên tắc 3: Công ty kinh doanh chứng khoán không phải tính giá trị các loại rủi ro đối với các chỉ tiêu tài sản đã giảm trừ khỏi vốn khả dụng.
Nguyên tắc 4: Đối với công ty kinh doanh chứng khoán có công ty con, công ty kinh doanh chứng khoán tính toán các chỉ tiêu an toàn tài chính dựa trên các khoản mục tài chính riêng của công ty kinh doanh chứng khoán.
Nguyên tắc 5: Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 30/6 phải được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam về hợp đồng dịch vụ soát xét. Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 31/12 và báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính dùng để chứng minh công ty kinh doanh chứng khoán đủ điều kiện đưa ra khỏi tình trạng cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam về lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt và các chuẩn mực kiểm toán khác có liên quan.
Nguyên tắc 6: Công ty kinh doanh chứng khoán phải thiết lập hệ thống thông tin và kiểm soát nội bộ để ghi chép, theo dõi và cập nhật đầy đủ những thông tin tài chính, thông tin chi tiết phục vụ cho việc lập và soát xét, kiểm toán các báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính. Ban Giám đốc (ban quản lý điều hành) của công ty kinh doanh chứng khoán chịu trách nhiệm về việc lập và trình bày báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định.
XEM CHI TIẾT CÁC CÔNG VIỆC PHÁP LÝ CẦN BIẾT TRONG QUÁ TRÌNH: |
||