Công đoàn cơ sở thì có ban thường vụ hay không? Nhiệm vụ của ban thường vụ là gì? – Thu Cúc (Hà Tĩnh).
>> Kinh doanh trò chơi tàu lượn thì có phải thực hiện kiểm định thiết bị không?
>> Doanh nghiệp chuyển đổi loại hình và đổi tên thì có phải nộp lệ phí trước bạ?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Hiện nay, Ban chấp hành công đoàn cấp nào do đại hội công đoàn cấp đó bầu ra. Bên cạnh đó, theo điểm e khoản 7 Điều 11 Quyết định 174/QĐ-TLĐ quy định về ban chấp hành công đoàn các cấp bao gồm:
“7. Nhiệm vụ, quyền hạn của ban chấp hành công đoàn các cấp
…
e. Bầu Đoàn Chủ tịch (đối với Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn), bầu ban thường vụ (đối với ban chấp hành công đoàn có từ 09 ủy viên trở lên); bầu các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn cùng cấp.
…”
Do đó, đối với công đoàn cơ sở, nếu ban chấp hành công đoàn có từ 09 ủy viên trở lên thì sẽ có ban thường vụ do ban chấp hành công đoàn bầu ra.
Lưu ý: Số lượng ủy viên ban chấp hành công đoàn cấp nào do đại hội công đoàn cấp đó quyết định và không vượt số lượng theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Trường hợp cần tăng thêm số lượng ủy viên ban chấp hành so với số lượng đã được đại hội biểu quyết thông qua hoặc vượt quá số lượng theo quy định của Tổng Liên đoàn, phải làm văn bản xin ý kiến và được sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp trước khi tiến hành, nhưng không vượt quá 10%; trường hợp tăng số lượng ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn quyết định, nhưng không vượt quá 5%.
Ban chấp hành công đoàn các cấp tiến hành họp như sau:
- Họp định kỳ 6 tháng 1 lần;
- Nơi không có ban thường vụ, ban chấp hành họp 3 tháng 1 lần; và
- Họp đột xuất khi cần.
Quy định về ban thường vụ ở công đoàn cơ sở (Hình minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo khoản 3 Điều 12 Quyết định 174/QĐ-TLĐ quy định ban thường vụ công đoàn các cấp chuẩn bị nội dung các hội nghị ban chấp hành. Ban thường vụ công đoàn các cấp được có nhiệm vụ sau:
- Ban hành các kết luận, thông báo, quyết định và văn bản khác để chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của ban chấp hành;
- Điều hành các hoạt động giữa hai kỳ họp ban chấp hành, báo cáo hoạt động của ban thường vụ tại hội nghị thường kỳ của ban chấp hành;
- Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của cơ quan và đơn vị trực thuộc;
- Đại diện cho đoàn viên và người lao động tập hợp các kiến nghị để tham gia với cấp ủy đảng, hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, bộ, ngành, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên doanh nghiệp cùng cấp; và
- Cử đại diện tham gia các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Lưu ý: Bầu bổ sung các chức danh trong ban chấp hành công đoàn các cấp trong từng trường hợp cụ thể như sau:
- Khi khuyết Thường trực Đoàn Chủ tịch thì Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn bầu bổ sung trong số ủy viên Đoàn Chủ tịch; khuyết ủy viên Đoàn Chủ tịch thì bầu bổ sung trong số ủy viên Ban Chấp hành theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
- Khi khuyết thường trực ban thường vụ thì bầu bổ sung trong số ủy viên ban thường vụ; khuyết ủy viên ban thường vụ thì bầu bổ sung trong số ủy viên ban chấp hành theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Trường hợp cần thiết, do công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định.
- Nơi không có ban thường vụ, khi khuyết chủ tịch, phó chủ tịch, bầu bổ sung trong số các ủy viên ban chấp hành.
- Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và ban thường vụ công đoàn các cấp họp định kỳ 2 tháng 1 lần; họp đột xuất khi cần.
>> Xem thêm công việc: Thành lập công đoàn