Có được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi chỉ có thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại? Mong được giải đáp – Trung Anh (Thái Bình).
>> Tài xế xe kinh doanh vận tải trên đường cần mang theo giấy tờ gì?
>> Hợp đồng thỏa thuận cả Trọng tài và Tòa án thì chọn cơ quan nào giải quyết tranh chấp?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 thì phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
Tại Điều 300 Luật Thương mại 2005 quy định:
Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.
Như vậy, theo quy định trong cả hai văn bản pháp luật trên, phạt vi phạm là một chế tài thỏa thuận, theo đó, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền nhất định. Về điều kiện áp dụng, chế tài phạt vi phạm được áp dụng khi thỏa mãn ba điều kiện gồm:
(i) Các bên có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng;
(ii) Một bên có hành vi vi phạm hợp đồng mà theo thỏa thuận giữa các bên thì bên vi phạm phải chịu phạt vi phạm hợp đồng;
(iii) Hành vi vi phạm hợp đồng không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm.
Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
File word Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa năm 2023 và hướng dẫn cách sử dụng |
Có được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi chỉ có thỏa thuận phạt vi phạm? (Ảnh minh họa - Nguồn từ internet)
Theo quy định tại khoản 3 Điều 418 Bộ luật dân sự 2015 thì:
3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Theo đó, các bên trong hợp đồng dân sự có thể thỏa thuận về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Trường hợp chỉ có thỏa thuận về phạt vi phạm mà không thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu trách nhiệm phạt vi phạm.
Tại Điều 301 Luật Thương mại 2005 quy định:
Điều 301. Mức phạt vi phạm
Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.
Theo quy định tại Điều 307 Luật Thương mại 2005 thì:
Điều 307. Quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại
1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Theo đó, trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại. Đây là sự khác nhau về thỏa thuận phạt vi phạm giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại.
Bên cạnh đó, mức phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự do hai bên thỏa thuận, còn trong thương mại và xây dựng thì căn cứ vào giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, và không quá 8% hoặc 12% (khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng 2014).
Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
Điều 385. Khái niệm hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán, thuê, vay, mượn, tặng cho tài sản; làm hoặc không làm một việc, dịch vụ hoặc các thoả thuận khác mà trong đó một hoặc các bên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng.
Tại khoản 1, 2, 3 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định:
Hợp đồng thương mại được hiểu là thỏa thuận giữa thương nhân với thương nhân hay thương nhân với các bên có liên quan nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong hoạt động thương mại, cụ thể là:
- Hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
- Hàng hóa bao gồm:
+ Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;
+ Những vật gắn liền với đất đai.
- Thói quen trong hoạt động thương mại là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng được hình thành và lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài giữa các bên, được các bên mặc nhiên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thương mại.