PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Công ty tôi kinh doanh trong lĩnh vực chế biến hải sản. Đầu tháng này công ty tôi nhận được rất nhiều đơn hàng mà số hàng nếu không được chế biến nhanh sẽ dẫn đến hư hỏng nên tôi định tăng thời gian làm việc của người lao động trong tháng bằng cách giảm số nghỉ cuối tuần trong tháng này của người lao động và bù những ngày nghỉ đó vào tháng kế tiếp thì có được không? Mong được hỗ trợ
>> Hợp đồng lao động có bị vô hiệu nếu được ký bởi người không có thẩm quyền
>> Sử dụng lao động khuyết tật cần lưu ý những gì?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Quy định về ngày nghỉ hàng tuần của người lao động
Theo Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 quy định về ngày nghỉ hàng tuần như sau:
Điều 111. Nghỉ hằng tuần
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
…
Như vậy, theo quy định nói trên thì mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần thì người sử dụng lao động có thể cộng dồn thời gian nghỉ hàng tuần của người lao động sao cho đảm bảo người lao động được nghỉ bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày nghỉ.
Trong trường hợp của công ty Anh/Chị, nếu vì lý do công ty nhận được nhiều đơn hàng mà số hàng này nếu không chế biến nhanh dễ dẫn đến hư hỏng và công ty không thể bố trí được ngày nghỉ hàng tuần thì có thể cộng dồn số ngày nghỉ hàng tuần cho người lao động sao cho bình quân 01 tháng người lao động được nghỉ 04 ngày.
Mức phạt khi vi phạm về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động
Khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hàng tuần hoặc ngày nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
Ngoài ra, khoản 4 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật như sau:
- Vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động: từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng;
- Vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động: từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng;
- Vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động: từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng;
- Vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động: từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng;
- Vi phạm từ 301 người lao động trở lên: từ 60 triệu đồng đến 75 triệu đồng.
Như vậy, tùy thuộc vào hành vi và mức độ vi phạm mà người sử dụng lao động sẽ phải chịu các mức phạt khác nhau khi vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động.
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm nói trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!