Công ty có được chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bị nhiễm HIV hay không? Mong được giải đáp về vấn đề này, xin cảm ơn! – Trương Quyền (Bà Rịa – Vũng Tàu).
>> Có được yêu cầu người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5?
>> Có được ký hợp đồng lao động thời hạn 01 năm nhiều lần hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 14 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, công ty không được có các hành vi sau đây:
- Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV.
- Ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV.
- Từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV.
- Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006.
Như vậy, công ty không được phép chấm dứt hợp đồng lao động hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV.
Bộ luật Lao động và văn bản hướng dẫn còn hiệu lực (Áp dụng năm 2024) |
Giải đáp thắc mắc công ty có được chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bị nhiễm HIV (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 5 Điều 4 và điểm a khoản 3 Điều 23 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, công ty chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nhiễm HIV sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Ngoài việc bị xử phạt tiền như trên, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc công ty tiếp nhận người lao động nhiễm HIV vào làm việc như hợp đồng lao động đã giao kết (điểm b khoản 4 Điều 23 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Căn cứ Điều 41 Bộ luật Lao động 2019, công ty khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật do người lao động bị nhiễm HIV phải có nghĩa vụ sau đây:
(i) Nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.
- Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
- Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
(ii) Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản (i) nêu trên công ty phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 để chấm dứt hợp đồng lao động.
(iii) Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản (i) nêu trên và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.