Chuyển khẩu hàng hóa là gì? Các hình thức chuyển khẩu hàng hóa hiện nay? Trường hợp nào không làm thủ tục hải quan khi kinh doanh chuyển khẩu?
>> Có được dùng quỹ công đoàn vào Quà Tết doanh nghiệp không?
>> Điều kiện doanh nghiệp hành nghề quản lý thanh lý tài sản?
Căn cứ khoản 1 Điều 30 Luật Thương mại 2005, chuyển khẩu hàng hóa là việc mua hàng từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
Chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng mua hàng và hợp đồng bán hàng do doanh nghiệp ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng (theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 69/2018/NĐ-CP).
Căn cứ khoản 2 Điều 30 Luật Thương mại 2005, chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện theo các hình thức sau đây:
(i) Hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam.
(ii) Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
(iii) Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, khu vực trung chuyển hàng hoá tại các cảng Việt Nam, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
Lưu ý: Hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu phải được đưa vào, đưa ra khỏi Việt Nam tại cùng một khu vực cửa khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi đưa vào Việt Nam cho tới khi được đưa ra khỏi Việt Nam (theo khoản 4 Điều 18 Nghị định 69/2018/NĐ-CP).
Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Chuyển khẩu hàng hóa là gì? Các hình thức chuyển khẩu hàng hóa hiện nay (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 89 Thông tư 38/2015/TT-BTC, quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu.
Thủ tục hải quan đối với hàng hoá kinh doanh chuyển khẩu
1. Hàng hoá kinh doanh chuyển khẩu được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam thì không phải làm thủ tục hải quan.
Như vậy, hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam thì không làm thủ tục hải quan.
Lưu ý: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện hoạt động kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa (theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 69/2018/NĐ-CP).
Căn cứ khoản 3 Điều 21 Nghị định 128/2020/NĐ-CP, quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa.
Vi phạm quy định về quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa
…
3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi chuyển khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh chuyển khẩu, tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu.
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2020/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 102/2021/NĐ-CP, quy định mức phạt tiền đối với cá nhân tổ chức:
- Mức phạt trên áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm bằng ½ mức phạt đối với tổ chức.
- Mức phạt tiền đối với hành vi trên là mức trung bình của khung phạt tiền.
Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt.
Nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
- Khi xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.
Như vậy, tổ chức có hành vi chuyển khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh chuyển khẩu bị phạt có thể bị phạt 70 triệu đồng.
Mức phạt tiền này có thể tăng hoặc giảm tùy vào nếu có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ nhưng tối đa không quá 80 triệu đồng, tối thiểu không quá 60 triệu đồng.