Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu tối thiểu và tối đa bao nhiêu? Hồ sơ trình thẩm định và nội dung thẩm định hồ sơ mời thầu bao gồm? Báo cáo thẩm định bao gồm những nội dung gì?
>> Startup là gì? Sản phẩm đổi mới sáng tạo nào được hưởng ưu đãi dự thầu?
>> Hàng hóa nguy hiểm được phân loại như thế nào từ 01/2025?
Căn cứ khoản 4 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu được quy định như sau:
Chi phí trong lựa chọn nhà thầu
…
4. Chi phí lập, thẩm định hồ sơ:
a) Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;
b) Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,06% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;
c) Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,2% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 3.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng;
d) Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng.
…
Như vậy, chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu tối thiểu 2 triệu đồng và tối đa 60 triệu đồng.
Toàn văn Luật Đấu thầu và văn bản hướng dẫn mới nhất năm 2024 |
Căn cứ khoản 1 Điều 129 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt bao gồm:
(i) Tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ mời thầu của bên mời thầu.
(ii) Dự thảo hồ sơ mời thầu.
(iii) Quyết định phê duyệt dự án (nếu có), quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
(iv) Tài liệu khác có liên quan.
Căn cứ khoản 2 Điều 129 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, nội dung thẩm định hồ sơ mời thầu bao gồm:
(i) Kiểm tra các tài liệu là căn cứ để lập hồ sơ mời thầu.
(ii) Kiểm tra sự phù hợp về nội dung của hồ sơ mời thầu so với quy mô, mục tiêu, phạm vi công việc, thời gian thực hiện của dự án, dự toán mua sắm, gói thầu; so với hồ sơ thiết kế, dự toán của gói thầu, yêu cầu về đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa (nếu có); so với biên bản trao đổi giữa bên mời thầu với các nhà thầu tham dự thầu trong giai đoạn một (đối với gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn); so với quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.
(iii) Xem xét về những ý kiến khác nhau (nếu có) giữa tổ chức, cá nhân tham gia hồ sơ mời thầu.
(iv) Các nội dung liên quan khác.
Căn cứ khoản 3 Điều 129 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, báo cáo thẩm định bao gồm những nội dung sau đây:
(i) Khái quát nội dung chính của dự án, dự toán mua sắm, gói thầu, cơ sở pháp lý để lập hồ sơ mời thầu.
(ii) Nhận xét và ý kiến của đơn vị thẩm định về cơ sở pháp lý, việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất về nội dung dự thảo hồ sơ mời thầu.
(iii) Đề xuất và kiến nghị của đơn vị thẩm định về việc phê duyệt hồ sơ mời thầu; về biện pháp xử lý đối với trường hợp phát hiện hồ sơ mời thầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; về biện pháp giải quyết đối với những trường hợp chưa đủ cơ sở phê duyệt hồ sơ mời thầu.
(iv) Các ý kiến khác (nếu có).
Xem thêm>> Có thể thay đổi nhân sự chủ chốt trong đấu thầu hay không?