Đối với những hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng không bị coi là vi phạm cơ bản thì bên bị vi phạm có thể áp dụng những chế tài thương mại nào để xử lý? – Hà Linh (Đồng Nai).
>> Hàng hóa bị mất mát, hư hỏng khi vận chuyển, bên nào chịu rủi ro?
>> Điều khoản hợp đồng có nhiều cách hiểu thì giải thích theo hướng nào?
Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng (căn cứ khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại 2005).
Theo đó, vi phạm không cơ bản là việc vi phạm hợp đồng của một bên nhưng không đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.
Ví dụ: Trường hợp bên bán giao hàng trễ 2 tiếng đồng hồ so với thời điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, bên mua đến ngày hôm sau mới cần sử dụng đến số hàng hóa này, do vậy việc giao hàng trễ này mặc dù là hành vi vi phạm hợp đồng (cụ thể là vi phạm nghĩa vụ giao hàng) nhưng vẫn chưa gây thiệt hại cho bên mua và bên mua vẫn đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng là có hàng hóa để sử dụng cho việc sản xuất. Theo đó, vi phạm này không phải là vi phạm cơ bản.
Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Chế tài thương mại nào áp dụng với vi phạm không phải là vi phạm cơ bản? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo quy định tại Điều 292 Luật Thương mại 2005, các loại chế tài thương mại được áp dụng cho bên vi phạm bao gồm: Buộc thực hiện đúng hợp đồng, phạt vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng và các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.
Đồng thời tại Điều 293 Luật Thương mại 2005 quy định về áp dụng chế tài trong thương mại đối với vi phạm không cơ bản như sau: “Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản.”
Như vậy, đối với những vi phạm không cơ bản, nếu hai bên không có thỏa thuận khác thì bên bị vi phạm có thể yêu cầu áp dụng các chế tài thương mại sau đây:
- Buộc thực hiện đúng hợp đồng.
- Phạt vi phạm.
- Buộc bồi thường thiệt hại.
- Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.
Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng được quy định tại Điều 294 Luật Thương mại 2005 như sau:
- Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
+ Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận.
+ Xảy ra sự kiện bất khả kháng.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015).
+ Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia.
+ Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
- Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.
Điều 300. Phạt vi phạm - Luật Thương mại 2005 Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này. Điều 301. Mức phạt vi phạm - Luật Thương mại 2005 Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này. |